Kinh tế

Gần 3 năm DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt, cổ đông vẫn 'ôm' cổ phiếu chờ được giao dịch

Cổ đông của DongA Bank không được bán cổ phần từ tháng 8.2015 sau khi ông Trần Phương Bình bị bắt và DongA Bank bắt đầu bị kiểm soát đặc biệt. Gần 3 năm trôi qua, những cổ đông lỡ “ôm” cổ phiếu DAF vẫn "ôm hy vọng" chờ ngày DongA Bank phục hồi và cổ phần được tự do giao dịch.

Những ngày đầu tháng 4.2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố 21 bị can nguyên là ông Trần Phương Bình và lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank - cổ phiếu DAF). Cổ đông của DAF lại một lần nữa “nín thở” khi có nhiều thông tin trên thị trường rằng DongA Bank sẽ được mua 0 đồng.

Tuy NHNN đã chính thức lên tiếng bác bỏ thông tin này nhưng với nhiều cổ đông đã “trót tin” vào DongA Bank, việc nhìn đồng vốn đầu tư cứ “chết mòn” sau gần 3 năm qua không phải là chuyện dễ chịu gì.

Những ai đang “chết" vốn ở DongA Bank?

Theo dữ liệu được công bố trước thời điểm DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soạt đặc biệt, cổ đông lớn nhất của DongA Bank là Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 với tỷ lệ nắm giữ khoảng 10% vốn điều lệ (khoảng 50 triệu cổ phiếu, tương đương 500 tỷ đồng). Cổ đông này vốn dĩ không được ai chú ý nếu như không liên quan đến ông trùm bất động sản Đà Nẵng Vũ “nhôm” – ông Phan Văn Anh Vũ, người mới bị bắt giam vì tội Làm lộ bí mật Nhà nước hồi đầu tháng 1.2018.

Gần 3 năm DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt, cổ đông vẫn 'ôm' cổ phiếu chờ được giao dịch
Khách hàng giao dịch tại DongA Bank (Ảnh: IT)

Ngoài ra, cá nhân ông Vũ cũng đang sở hữu 2,73% vốn điều lệ, tương ứng 137 tỷ đồng (theo mệnh giá) vốn góp tại DongA Bank.

Tuy nhiên, thời điểm bị bắt giữ, ông Vũ đã thoái vốn khỏi Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79.

Cổ đông lớn thứ 2 của DongA Bank là Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nắm 7,7% vốn (khoảng 39,5 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 395 tỷ đồng). Khoản đầu tư này một thời gian đã khiến cho lợi nhuận của PNJ lao dốc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khoản đầu tư này đã được PNJ xử lý bằng trích lập dự phòng 100%.

Cổ đông lớn thứ 3 của DongA Bank là Văn phòng Thành Ủy TP.HCM. Theo ghi nhận, Thành Ủy TP đang nắm giữ hơn 34,3 triệu cổ phần, tương ứng 6,87% vốn của DongA Bank (khoảng 343 tỷ đồng).

Cổ đông lớn thứ 4 của DongA Bank là Công ty CP Vốn An Bình nắm giữ 5,42% vốn. Theo tìm hiểu, đại diện pháp luật của DN này là bà Cao Thị Ngọc Hồng (em gái bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ).

Ngoài ra, các cổ đông khác (nắm giữ dưới 5%) vốn của DongA Bank là những cái tên cũng khá quen thuộc như: Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm 3,78% vốn (khoảng 18,9 triệu cổ phần, tương ứng 189 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận nắm 2,14% vốn (tương đương hơn 100 tỷ đồng); Tổng Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sở hữu 0,95% vốn DongA Bank (tương đương hơn 136 tỷ đồng);...

Ngoài các cổ đông lớn nói trên, tại thời điểm DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt hồi tháng 8/2015, ông Trần Phương Bình, bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà vẫn đang sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần, tương ứng với lượng cổ phiếu có mệnh giá 480 tỷ đồng.

Còn lại gần 60% cổ phần thuộc về những cổ đông nhỏ lẻ khác... 

“Dài cổ” chờ DongA Bank phục hồi

Việc DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt gần 3 năm qua khiến nhiều người phải ngày ngày nhìn tiền “chết” do không còn sinh lời, cũng không thể mua bán hay chuyển nhượng được. Vì vậy, các cổ đông chì còn biết đợi DongA Bank hồi phục và cổ phiếu DAF được phép giao dịch trở lại thì mới mong có thể thu hồi vốn. Tuy nhiên, câu chuyện đến khi nào DAF được giao dịch trở lại vẫn là những dấu chấm hỏi không dễ trả lời.

Gần 3 năm DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt, cổ đông vẫn 'ôm' cổ phiếu chờ được giao dịch - 1
Xuất hiện tin bán cổ phiếu DongA Bank trên sàn OTC (Ảnh chụp màn hình)

Có thể thấy, từ khi vào diện kiểm soát đặc biệt đến nay, những chỉ số tài chính của DongA Bank được công bố rất ít. Báo cáo tài chính gần đây nhất được DongABank cung cấp chính là báo cáo năm 2014. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 2014 của ngân hàng này chỉ đạt 27 tỷ đồng, giảm 301 tỷ đồng, tương ứng 92% so với năm 2013. Trong báo cáo của mình, DongABank chỉ công bố bảng cân đối kế toán và bảng kết quả kinh doanh hợp nhất. Vì vậy, tình hình huy động vốn, cho vay khách hàng hay nợ xấu tại DongABank trong năm 2014 vẫn là ẩn số.

Cho tới nay, chưa bản báo cáo nào của DongABank được công khai nên chưa rõ ngân hàng này đã cải thiện được hiệu quả kinh doanh hay chưa. Trong một diễn biến gần đây nhất, ngay sau khi ông Trần Phương Bình và 20 bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên DongABank bị đề nghị truy tố, ngân hàng này mới công bố một số chỉ tiêu về xử lý nợ xấu. Cụ thể, theo DongA Bank, trong năm 2017, ngân hàng đã thu hồi được nợ xấu đạt khoảng 7.500 tỷ đồng (trong đó thu gốc là 5.400 tỷ đồng, lãi là 2.100 tỷ đồng), nâng tổng số thu hồi nợ xấu trên 12.000 tỷ đồng từ sau kiểm soát đặc biệt 13.8.2015.

Tiếp nối thành công của năm 2017, trong quý 1.2018, DongA Bank tiếp tục thu hồi nợ xấu ước đạt hơn 900 tỷ đồng (trong đó thu gốc hơn 870 tỷ đồng), đạt được 106% kế hoạch đặt ra của quý 1.2018. Ngoài ra, tình hình huy động vốn, cho vay khách hàng trong năm 2017 và quý 1.2018 cũng không được ngân hàng này công bố.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cổ phiếu DAF lại được rao bán trên sàn OTC với mã mới EAB. Qua quan sát, lệnh đặt bán và đặt mua EAB đã xuất hiện nhiều hơn song mức giá của cổ phiếu này là vấn đề cần bàn. Trong khi các cổ phiếu ngân hàng khác tăng rất mạnh, tạo nên làn sóng mới trên thị trường OTC, EAB vẫn chỉ có mức giá quanh vùng 6.000 - 6.500 đồng/CP, chỉ hơn 50% mệnh giá.

Theo Quốc Hải (Dân Việt)