Kinh tế

Farm Bill và thuế chống bán phá giá chặn đường cá tra vào Mỹ

Với mức thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt nam lên đến 7,7 USD/kg, chưa kể phải thực thi theo chuẩn Farm Bill, cá tra khó có cửa sang Mỹ.

Farm Bill và thuế chống bán phá giá chặn đường cá tra vào Mỹ
Giá cá tra nguyên liệu dự báo sẽ bị tác động mạnh trong thời gian tới - Ảnh: C.QUỐC

Ông Võ Nguyên Nam, giám đốc Sở Công thương An Giang, cho rằng nếu cộng cả mức thuế mới, giá cá tra Việt Nam bán ra tại thị trường Mỹ vào khoảng 10 -11 USD/kg. 

"Nếu mức thuế này được áp dụng, sẽ không còn doanh nghiệp nào có thể xuất khẩu cá tra sang Mỹ được nữa", ông Nam nói.

Trong khi đó, ông Dương Nghĩa Quốc, chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng ngay cả với mức thuế chống bán phá giá thấp nhất là 3,8 USD/kg, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn. Đối với những công ty N chịu mức thuế cao nhất, cánh cửa xuất khẩu cá tra vào Mỹ xem như đã bị khép lại.

Giá xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ hiện tại được bán với 4-5 USD một kí.

Ngoài việc áp thuế cao, trong năm 2018, phía Mỹ cũng sẽ tổ chức đoàn đánh giá thực tế thực thi những quy định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ sở nuôi, nhà máy chế biến cá da trơn tại Việt Nam theo Đạo luật Nông trại (Farm Bill).

"Vừa phải chịu thuế chống bán phá giá cao, vừa phải thực thi theo Farm Bill, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ chắc chắn sẽ sụt giảm", ông Quốc nhận định.

Do những rào cản của thị trường Mỹ, thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đã chuyển hướng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác, trong đó Trung Quốc nổi lên là thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam.

Trong tháng 1-2018, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này (bao gồm cả Hong Kong) đạt 23,9 triệu USD, tăng 132,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu chính ngạch chiếm 56% và tiểu ngạch chiếm 44%. 

Thị trường Trung Quốc được xem là cơ hội để doanh nghiệp lấp đầy khoảng trống khi thị trường châu Âu và tới đây là thị trường Mỹ sụt giảm vì thuế chống bán phá giá. 

Theo ông Võ Nguyên Nam, đến nay An Giang không còn doanh nghiệp nào xuất khẩu cá tra sang Mỹ. "Mỹ đã cho thấy quyết tâm bảo hộ sản phẩm trong nước, nên doanh nghiệp Việt phải tìm hướng đi khác" - ông Nam nói.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. "Nếu ngành cá tra Việt Nam quá phụ thuộc, nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ gây sức ép về giá cả như đã từng áp dụng với mặt hàng nông sản khác", một doanh nhân lo ngại.

Khó đạt mục tiêu 2,2 tỉ đô

Farm Bill và thuế chống bán phá giá chặn đường cá tra vào Mỹ - 1
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một nhà máy ở ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC

Thông tin từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết hai doanh nghiệp là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất, lên tới 7,7 USD/kg, cao nhất từ trước đến nay.

Chín doanh nghiệp còn lại phải chịu thuế thấp nhất từ 3,8 USD/kg.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, với mức thuế chống bán phá giá mới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra khoảng 2-2,2 tỉ USD năm nay khó trở thành hiện thực.

Theo L.Dân - T.Tú - B.Đấu (Tuổi Trẻ)