Kinh tế

"Ế" tiền, ngân hàng bung các gói vay

Dư thừa tiền trong hệ thống ngân hàng dịp đầu năm đang khiến lãnh đạo các ngân hàng nghĩ đủ cách tìm kiếm khách vay. Đó cũng là lý do tại thời điểm này, các gói vay cả nghìn tỷ đồng với lãi suất và điều kiện vay được quảng cáo là ưu đãi tới tấp “bung” hàng.

Nhanh nhảu đi trước, Ngân hàng Quốc tế (VIB) “tung” ra gói tín dụng ưu đãi với lãi suất 0,68%/tháng trong 30 tháng đầu (tức chỉ 8,16%/năm).  Đến nay, VIB đã giải ngân được 2.000 tỷ đồng và đang có kế hoạch nâng tổng hạn mức vốn thêm 1.000 tỷ đồng. Tương tự, Viet Capital Bank vừa chi 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm, ưu đãi trong 3 tháng đầu. Theo mời gọi, khách hàng có thể vay từ 100 triệu đồng trở lên để mua sắm vật dụng gia đình, bất động sản, xe, thanh toán học phí trong nước, khám chữa bệnh.

Từ nay đến hết 30/9, ABBank tuyên bố dành hẳn 1.000 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay vốn trung và dài hạn để mua nhà đất, ô tô, hay sửa chữa nhà cửa, kinh doanh trả góp với lãi suất ưu đãi cố định từ 8%/năm trong 12 tháng đầu tiên của khoản vay và miễn phí trả nợ trước hạn sau 2 năm vay vốn.  
  

 Các gói vay của các ngân hàng có hấp dẫn khách hàng?.

  
Với doanh nghiệp, SeABank triển khai chương trình “Ưu đãi tăng trưởng tín dụng khách hàng Doanh nghiệp 2015”. Theo đó, doanh nghiệp được vay ngắn hạn bằng VND bổ sung vốn lưu động được hưởng mức lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm; vay ngắn hạn bằng USD lãi suất tối thiểu 3,5%/năm. SeABank còn mở gói tín dụng ưu đãi riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh cá thể với tổng số tiền tài trợ lên tới 4.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay tối thiểu 8,5%/năm.

Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, một số ngân hàng còn ưu đãi riêng về mức phạt, thủ tục, giải ngân nhanh… để chèo kéo khách. Ví như Techcombank ngày 9/3 “bung” gói vay riêng cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kèm lời hứa, chỉ 1 giờ sau khi nhận đủ hồ sơ thủ tục, ngân hàng sẽ giải ngân tức thì. Hay vay tín chấp của VP Bank được quảng cáo “tràn” trên mạng là sản phẩm vay tín chấp tốt nhất trên thị trường với hỗ trợ giải ngân trong 24h, khoản vay lên đến 500 triệu đồng.

Lưu ý “bẫy” lãi suất

“Năm nay, chi nhánh tôi vừa được ngân hàng mẹ giao khoán cho vay tăng thêm 700 tỷ đồng. Giờ chúng tôi như phát điên vì đi tìm khách hàng. Nếu có khách nào tốt thì giới thiệu nhé, đang cực kỳ bí…”- Nguyễn Minh, cán bộ tín dụng một chi nhánh lớn của Agribank trên địa bàn quận Cầu Giấy chia sẻ.

Đề cập đến các gói vay ưu đãi, theo Minh, cái khó nhất bây giờ là nhiều ngân hàng “tung” ra các chiêu lạ, mà khách hàng không đủ tỉnh táo để lựa chọn. Nguyễn Minh lưu ý: Ví như ngân hàng tôi cho vay lãi suất tiêu dùng cao hơn ở mức 12,5 %/năm, nhưng thời gian vay dài đến 3 năm; chưa kể không có chuyện phạt khi tất toán (trả trước); trong khi nhiều ngân hàng cộng phí phạt và lãi chênh sau này vào có thể lên tới 15-17%/năm. “Hầu hết lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong 3-6 tháng đầu tiên”- Nguyễn Minh nói. Cũng theo Minh, một nhà băng  đang quảng cáo rầm rộ là cho vay tín chấp tới 500 triệu đồng trong 48 tháng với lãi suất dao động từ 0,8% đến 1,1%/tháng (tương ứng 9,6-11,3%/năm). Tuy nhiên, hãy lưu ý các điều kiện đi kèm của họ rất “rắn” như lãi phạt trả chậm bằng 150% lãi suất trong hạn.

Còn Hà Chinh, trưởng phòng khách hàng một ngân hàng cổ phần có quy mô lớn không giấu giếm:  Chưa bao giờ làm nhân viên ngân hàng khổ và áp lực như hiện nay. Thay vì chỉ chăm chút khách hàng VIP, giờ đến vị trí trưởng phòng mà Chinh đang giữ cũng phải đi “dụ” và “gom” từng khách nhỏ. Tại thời điểm này, theo Chinh, với khách hàng doanh nghiệp vốn giá rẻ đúng là đang ở “đáy” lãi suất 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, để vay được vốn này, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện khắt khe về tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh, hồ sơ thủ tục, ngành nghề, thời gian vay vốn, nguồn doanh thu khả quan. “Chưa có cơ chế cho vay tín chấp, không ngân hàng nào dám nhận thế chấp bằng niềm tin đâu. Nhiều chương trình chỉ đơn giản là vẽ ra để dụ khách thôi”- Chinh nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, đến cuối tháng 2/2015, tổng huy động tiền gửi của 12 ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở trên địa bàn TPHCM đạt hơn 785.000 tỷ đồng. Riêng tuần sau Tết, các ngân hàng đã huy động được hơn 13.500 tỷ đồng. Tại Hà Nội, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến hết tháng 2/2015 đạt 1.204 nghìn tỷ đồng trong đó, riêng tiền gửi đạt 1.151 nghìn tỷ đồng. TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, dù “cầu” vốn vẫn rất cao trong nền kinh tế nhưng hiện mới có khoảng 30% doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận được vốn vay. Thừa tiền - thiếu vốn, phải chăng vì vậy mà ngân hàng căng mình kéo khách?

“Ai có nhu cầu vay nên hỏi rõ lãi suất thay đổi như thế nào trong suốt giai đoạn vay, nhất là từ lúc hết khuyến mãi trở đi, tránh việc chỉ tháng đầu được hưởng lãi suất ưu đãi, các tháng sau “nhảy” lên cao vút”.

Ông Peter Phạm, Giám đốc điều hành Cty Quản lý Quỹ Phoenix Capital

Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)