Kinh tế

Đua xả hàng bất động sản trên "đất vàng" Sài Gòn

Những khu phức hợp đang đua nhau lộ diện trong vòng 6-8 tháng qua tại các vị trí đắc địa của khu trung tâm hiện hữu TP HCM như quận 1, 3, 4, Bình Thạnh với giá bán thuộc top đầu toàn thị trường.

Những khu phức hợp đang đua nhau lộ diện trong vòng 6-8 tháng qua tại các vị trí đắc địa của khu trung tâm hiện hữu TP HCM như quận 1, 3, 4, Bình Thạnh với giá bán thuộc top đầu toàn thị trường.
 

Khảo sát của VnExpress, số lượng doanh nghiệp địa ốc có quỹ đất vàng tại khu trung tâm Sài Gòn mạnh dạn tung dự án ra thị trường trong thời gian qua đang gia tăng theo thời gian. Ban đầu chỉ là sân chơi riêng của các tên tuổi như Vingroup, Bitexco, Bến Thành Land, C.T Group thì nay xuất hiện thêm Novaland, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty May diêm Sài Gòn, Sacomreal và Phát Đạt.

Ở địa bàn quận Bình Thạnh và quận 1, Vingroup với siêu dự án quy mô 3.000 căn của dự án Vinhomes Golden River tại Ba Son và 10.000 căn từ dự án Vinhomes Central Park tại Tân Cảng đang là tay chơi khó có đối thủ ở thị phần này. Nếu tính riêng trong quý II/2016, các sản phẩm villa "đỉnh" nhất từ trước tới nay của chủ đầu tư này tại quận 1 có giá 400-500 triệu đồng mỗi m2.

Tại quận 1 và quận 4, Novaland cũng gia nhập thị trường bất động sản cao cấp đến hạng sang với hơn 3.000 sản phẩm từ 6 dự án tọa lạc ngay tại đường Thi Sách và dọc theo Bến Vân Đồn. Các sản phẩm bất động sản trên đất vàng của đơn vị này có giá thấp nhất 45 triệu đồng mỗi m2 và cao nhất lên đến 160 triệu đồng mỗi m2, tùy vị trí.

Dự án The One của Bitexco tọa lạc gần chợ Bến Thành đang ở giai đoạn chuẩn bị, chưa chính thức đưa vào thị trường nhưng các chuyên gia dự báo nhiều khả năng khung giá của dự án không dưới trăm triệu đồng mỗi m2. Hồi đầu năm 2016, lãnh đạo Công ty Sacomreal tiết lộ đang ấp ủ kế hoạch tung ra dự án nhà ở hạng sang tại quận 1, TP HCM với giá bán 70-80 triệu đồng một m2 trở lên. 

dua-xa-hang-bat-dong-san-tren-dat-vang-sai-gon

Bất động sản trên đất vàng quận 1, 3, 4, Bình Thạnh đang rầm rộ bung hàng trong 6-8 tháng qua. Ảnh: Vũ Lê

Trong 2 quý vừa qua, Công ty Capella Holdings xả hàng tồn căn hộ hạng sang The One Saigon trên đường Đặng Thị Nhu, (quận 1, TP HCM) và giảm giá từ 5.500-6.000 USD xuống còn 3.500 USD một m2 để thu hồi vốn sau hơn nửa thập niên ế ẩm. Mặc dù tỷ lệ giảm khá cao, khoảng 45%, giá của căn hộ tại đây vẫn thuộc nhóm top đầu toàn thị trường.

Trong khi đó, Công ty May diêm Sài Gòn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Phát Đạt lần lượt đều có những dự án đã hoặc sắp triển khai tại quận 4, chỉ cách trung tâm quận 1 vài phút đi bộ, giá bán xoay quanh 2.000-3.000 USD mỗi m2.

Dịch ra khỏi tâm điểm quận 1, các công ty thành viên của Tập đoàn C.T Group đã và đang chào bán rầm rộ 2 dự án tại quận 3 (cũng thuộc khu vực lõi trung tâm của thành phố) trong 6-12 tháng qua. Tại góc đường Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu, C.T Phương Nam mở bán những căn hộ cuối cùng của dự án Leman Luxury với giá bán khoảng 4.800 USD một m2, cao hơn khung giá trung bình 4.500 USD mỗi m2. Một dự án khác cũng được đơn vị này chào bán ngay tại mặt tiền đường Lê Văn Sỹ, quận 3, có giá khoảng 1.700-1.800 USD một m2 nhà hoàn thiện tùy vị trí.

Tác động đầu tiên từ cuộc đua giành thị phần bất động sản trên đất vàng thành phố của các doanh nghiệp địa ốc là mặt bằng giá mới ở khu vực lõi và rìa trung tâm TP HCM đang đi lên. Tổng giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở tại quận 7 cho biết, giá căn hộ trung bình toàn thị trường đã vượt lên ít nhất 10% so với cùng kỳ năm ngoái do sự xuất hiện của khá nhiều dự án mới từ cao cấp đến hạng sang. Xu hướng này cho thấy nguồn cung đang tăng trưởng về chất hơn là về lượng.

Theo vị này, nguyên nhân nổ ra cuộc đua rầm rộ của bất động sản trên đất vàng là do quỹ đất đắc địa của thành phố không còn nhiều. Các dự án cao cấp, hạng sang này sẽ là hàng hiếm trong tương lai và gần như chắc chắn giá trị tài sản sẽ gia tăng bền vững theo thời gian. 

Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa nhận định, các dự án bất động sản trên đất vàng khu trung tâm TP HCM được đầu tư, chào bán rầm rộ trong nửa đầu năm 2016 đang giải mã nhiều điều. 

Thứ nhất, thị hiếu chung của thị trường địa ốc là kỳ vọng rất lớn vào cơ hội thương mại (khai thác kinh doanh, cho thuê) của loại tài sản khan hiếm này. TP HCM đứng trước cơ hội phát triển và hoàn thiện chức năng đô thị thương mại lớn của cả nước, xứng tầm với khu vực và thế giới trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Thứ hai, sở hữu nhà trên đất vàng trung tâm TP HCM là kênh trú ẩn an toàn. Tài sản này thể hiện đẳng cấp, tiềm lực tài chính vững mạnh của người sở hữu và là kênh trú ẩn an toàn (giữ giá tốt, tăng giá theo thời gian).

Thứ ba, kết nối hạ tầng và tiện ích của bất động sản khu trung tâm tốt hơn rất nhiều so với bất động sản ở rìa nội đô thành phố. Khu trung tâm sẵn sàng các hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính, tài chính, khu vui chơi giải trí...) và quãng đường di chuyển gần hơn nhà ở ngoại thành. 

Thứ tư, chắc chắn hạ tầng ở khu vực trung tâm sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn vì đối mặt với tình trạng quá tải, đòi hỏi các nhà quản lý phải có tầm nhìn xa, cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững của cả đô thị. Đây chính là điểm quan ngại duy nhất của bất động sản trên đất vàng.

Tại buổi gặp mặt báo chí cuối tháng 6/2016, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend thừa nhận một trong những thách thức của thị trường bất động sản tại lõi trung tâm TP HCM chính là hạ tầng đang bị quá tải. Điều dễ dàng nhìn thấy nhất là nạn kẹt xe, ùn tắc thường xuyên ở các trục giao thông chính cả khu trung tâm và rìa nội đô.

Vì vậy, theo ông Marc Townsend các cơ quan quản lý và nhà phát triển dự án tại khu trung tâm hiện hữu cần tính đến các giải pháp về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội. Các động thái tích cực là thành phố đã và đang khai thông tuyến vận tải mới như metro, xây nhiều cầu vượt, mở thêm đường mới như vành đai, cao tốc, đại lộ...

Theo Vũ Lê (VnExpress.net)