Kinh tế

Dự án xây 300 tỷ đồng, mất 250 tỷ khắc phục sự cố

Công trình có mức đầu tư 300 tỷ đồng ở Điện Biên hoàn thành năm 2015 gặp sự cố và phải mất 250 tỷ để xử lý. 

Công trình có mức đầu tư 300 tỷ đồng ở Điện Biên hoàn thành năm 2015 gặp sự cố và phải mất 250 tỷ để xử lý. 

Dự án xây 300 tỷ đồng, mất 250 tỷ khắc phục sự cố

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả rà soát các nội dung chi, mức chi của các hạng mục khắc phục sự cố công trình san nền, đường giao thông và thoát nước khu tái định cư Chi Luông, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.

Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ được khởi công xây dựng đầu tháng 10/2015 và thực hiện cơ bản hoàn thành cuối tháng 12/2015. Tuy nhiên, công trình hiện đe dọa đến an toàn của hàng loạt công trình lớn khác, nếu xử lý tốn thêm hơn 250 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính đều thống nhất với các hạng mục và mức chi để khắc phục công trình. Bộ Tài chính có thêm ý kiến sẽ dùng 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương. 

Khu tái định cư Chi Luông là một trong các hạng mục nằm trong dự án Tái định cư thủy điện Sơn La. Từ năm 2010, để xây dựng các công trình nằm trong khu vực này, tỉnh Điện Biên đã phải “khoét” một diện tích lớn ở chân núi để tạo mặt bằng, xây dựng nhiều công trình trọng điểm của thị xã như: Trung tâm hội nghị văn hóa, Sân vận động, trụ sở Thị ủy, trụ sở và nhà khách UBND thị xã… 

Đến giữa năm 2015, tỉnh Điện Biên lại bổ sung tiếp dự án bạt núi, san nền mở rộng để xây dựng công viên sân thể dục thể thao, đường giao thông và tạo khoảng lưu không cho các công trình hiện có. 

Theo báo điện tử Đảng cộng sản, do điều kiện địa chất phức tạp, kém ổn định, cộng thêm lỗi thiết kế đã khiến cho toàn bộ các công trình này rơi vào trạng thái đặc biệt nguy hiểm, phân cấp sự cố cấp 3. Trên sườn taluy khu vực thi công các bậc giảm tải xuất hiện các vết nứt dẫn đến nguy cơ hàng triệu m3 đất đá có thể sạt xuống bất cứ lúc nào, chôn vùi những công trình quan trọng nhất của thị xã ven lòng hồ thủy điện. 

Từ 2016, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã có báo cáo xin ý kiến và chủ trương xử lý của Bộ Xây dựng, Thủ tướng đồng thời thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, mời các chuyên gia đến khảo sát thực tế tại hiện trường và lập phương án khắc phục sự cố.

Theo Nguyễn Hà (VnExpress.net)