Kinh tế

Dự án 6.000 tỉ của Cienco 5: Cháy nhà mới ra... lỗ hổng

Cuối tháng vừa qua, ngày 25.6, Bộ Công an đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) dừng hoạt động huy động vốn tại dự án Thanh Hà - Cienco 5, do có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cuối tháng vừa qua, ngày 25.6, Bộ Công an đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) dừng hoạt động huy động vốn tại dự án Thanh Hà - Cienco 5, do có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cháy nhà mới ra… lỗ hổng

Trước đó, ngày 24.5.2016, sau khi tổ chức cuộc họp bất thường, HĐQT Cienco 5 đã ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương: Dừng hoạt động của doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land đối với dự án đầu tư BT đường trục nam Hà Tây (cũ) và các dự án đối ứng Thanh Hà Cienco 5 A, B, Cienco 5 - Mỹ Hưng, do có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thành lập, chuyển nhượng vốn đầu tư. Vì sao một dự án trọng điểm, tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỉ đồng lại bị dừng? Từ vụ việc Cienco 5, những bài học đắt giá trong quản lý tài sản nhà nước dần hé lộ.

Cienco 5 đã hoàn thành việc chuyển đổi sang công ty cổ phần từ 2.6.2014, vốn điều lệ 439 tỉ đồng, trong đó cổ đông nhà nước chiếm 63,18%. Ngày 31.12.2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Cienco 5 theo phương thức bán cổ phần theo lô, Cienco 5 đã bán thành công đợt 1 là 23,18%.

Ngày 21.4.2016, Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản đã chi 1.500 tỉ đồng để mua lại 95% cổ phần của Công ty phát triển địa ốc Cienco 5 (gọi tắt là Cienco 5 Land), với mục tiêu giành quyền sở hữu chi phối gần tuyệt đối với dự án khu đô thị Thanh Hà (quận Hà Đông - Hà Nội). Đây là một dự án đất vàng từng gây sốt giá thị trường, có quy mô lên tới trên 400ha.

Tuy nhiên, trong công văn số 642/TCT5-HĐQT gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ông Lê Quang Vinh - TGĐ Cienco 5 (khi đó là Phó TGĐ Cienco 5) - kiến nghị: “Việc thay đổi vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land không phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng ban đầu khi thành lập doanh nghiệp dự án. Tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ của Cienco 5 tại Cienco 5 Land chỉ còn 3% tổng vốn điều lệ (thay vì 49% vốn điều lệ Cienco 5 Land ở giai đoạn thành lập); không chi phối được hoạt động của doanh nghiệp dự án. Việc thay đổi/chuyển nhượng này có dấu hiệu mất vốn Nhà nước và có dấu hiệu của việc chuyển nhượng dự án. Việc chuyển nhượng trên chưa được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục thoái vốn Nhà nước”.

Mô hình quản lý kỳ quặc

Để triển khai thực hiện dự án, trước đó, năm 2007, Cienco 5 Land đã được thành lập theo hình thức công ty cổ phần, trong đó Cienco 5 sở hữu 49% vốn điều lệ (24,5/50 tỉ đồng). Theo một lãnh đạo Cienco 5, việc thành lập Cienco 5 Land ngay từ đầu đã cho thấy sự bất thường, trái pháp luật bởi ý tưởng ban đầu và cũng là theo quy định tại Luật Đầu tư, bởi ý tưởng ban đầu Cienco 5 phải giữ tối thiểu hơn 65% tổng số cổ phần phổ thông để chi phối. Còn theo quy định tại khoản 15 của Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 thì một trong những điều kiện để một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu “sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó”. Vậy thì việc xác định Cienco 5 chỉ sở hữu 49% vốn điều lệ tại Cienco 5 Land đã là trái với quy định của pháp luật, khiến cho Cienco 5 (khi đó là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) không thể giữ vai trò chi phối. Điều 20 của Nghị định 78/2007 quy định rõ: Đối với dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư trong nước, sau khi thực hiện các thủ tục quy định tại Điều 17 nghị định này, nhà đầu tư đăng ký kinh doanh để thành lập doanh nghiệp dự án. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh hoặc bổ sung đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Các ông Vương Viết Doãn - Chủ tịch HĐQT và ông Thân Đức Nam - TGĐ Cienco 5 thời điểm đó phải chịu trách nhiệm khi thực hiện đề án để “đẻ” ra Cienco 5 chỉ sở hữu 49% vốn điều lệ tại Cienco 5 Land (mô hình Công ty mẹ - con nhưng con nhiều vốn hơn mẹ, to hơn mẹ ngay từ khi mới đẻ thì làm sao mà chi phối?”).

Bán cổ phần không đấu giá công khai

Theo ông Hà Hùng, năm 2009, Cienco 5 - Land tăng vốn điều lệ từ 50 tỉ lên 100 tỉ đồng. Do tình hình tài chính của tổng công ty đang gặp khó khăn và khó có thể thực hiện việc góp vốn, HĐQT Cienco 5 ra Nghị quyết số 1004 (ngày 9.9.2009), xác định không đầu tư tăng vốn góp Cienco 5 vào Cienco 5 - Land, đồng thời bán bớt phần vốn (1.950.000 cổ phần) của tổng công ty tại Cienco 5 - Land; giảm số cổ phần của Cienco 5 nắm giữ tại Cienco 5 - Land chiếm 5% vốn điều lệ (5 tỉ đồng/100 tỉ đồng). Bên cạnh đó, Cienco 5 giao cho người đại diện phần vốn của tổng công ty tại Cienco 5 - Land bán quyền mua 2.450.000 cổ phần phát hành thêm với giá tối thiểu là: 1.000 đồng/quyền mua 1 cổ phần (tương ứng 2,45 tỉ đồng). Theo điểm 3, Điều 67 Luật Đầu tư: “Việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư hoặc liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư thẩm định và chấp thuận”. Song ở đây, Bộ GTVT chưa thẩm định và chấp thuận” điều này.

Việc bán bớt phần vốn (1.950.000 cổ phần) của Tổng Công ty Cienco 5 có thông qua đấu giá công khai không cũng là một dấu hỏi cần được làm rõ? Bởi theo Thông tư số 242/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính (có hiệu lực và dùng để xử lý các phát sinh từ năm tài chính 2009) thì: “Trường hợp chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị tính theo mệnh giá trên 10 tỉ đồng thì công ty phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán”. Mặt khác, vẫn việc đột ngột giảm từ 49% cổ phần xuống 5% cổ phần quả là một sự “tụt dốc không phanh” đối với vai trò chi phối của công ty mẹ, đi ngược hoàn toàn với yêu cầu quản lý bảo toàn vốn nhà nước. Ai đưa ra con số 5% cổ phần, dựa trên văn bản pháp lý nào? Đây là một vấn đề rất cần được làm rõ.

“Công ty mẹ” vô trách nhiệm

Công ty mẹ đó là Cienco 5 dù được Nhà nước giao làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm hoàn toàn về các dự án song lại phó mặc cho “đứa con hư” Cienco 5 Land tự tung tự tác. Đặc biệt, cơ chế “khoán lợi nhuận” dự án bị cho là thiếu minh bạch, không đúng pháp luật. Theo giải thích của ông Hà Hùng, ngày 6.5.2010, nhằm tạo ra khoản lợi nhuận góp phần lành mạnh hóa nền tài chính tổng công ty trước khi tiến hành cổ phần hóa, Chủ tịch HĐQT Cienco 5 đã họp và ra Nghị quyết số 489/HĐQT (ngày 7.5.2010) về việc thống nhất chủ trương giao các dự án tại địa bàn Hà Tây - Hà Nội cho Cienco 5 - Land thực hiện, với mức khoán lợi nhuận 2% giá trị chi phí sử dụng đất phải nộp cho TP. Hà Nội với tổng số tiền thu từ các dự án do Cienco 5 - Land thực hiện là 137,73 tỉ đồng. Ông Hùng còn cho biết số tiền thực chuyển cho Cienco 5 lên tới gần 200 tỉ đồng chứ không dừng ở hơn 137 tỉ đồng nên thực ra “Nhà nước không mất gì”!

Theo điều tra của chúng tôi, trước đó, ngày 30.7.2008, HĐQT Cienco 5 đã ban hành Nghị quyết số 866 triển khai thực hiện Nghị quyết số 103 về chuyển giao các dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tây từ Cienco 5 sang Cienco 5 Land, giao khoán phần lợi nhuận Cienco 5 Land phải nộp là 2% giá trị hợp đồng (theo tờ trình số 846/TC-KT ngày 24.7.2008 của Tổng Giám đốc Thân Đức Nam).

Chủ trương khoán lợi nhuận 2%, theo một lãnh đạo Cienco 5, có dấu hiệu giống một kiểu chuyển nhượng dự án trá hình. Việc chuyển hàng loạt dự án lớn cho một người khác thực hiện mà chỉ thu về lợi nhuận 2%, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát không nhỏ tài sản của Nhà nước. Nếu việc này được định giá công khai, minh bạch hoặc đấu thầu cho các doanh nghiệp khác thực hiện, số tiền thu về có thể lớn hơn rất nhiều, không thể là 2%.

Dấu hiệu chuyển nhượng dự án trá hình càng rõ hơn khi trả lời báo chí, ông Võ Ngọc Châu (Chủ tịch HĐQT Cienco 5 Land) cho biết, khi Cienco 5 Land thành lập đã được Bộ GTVT giao tự huy động vốn, chứ không phải vốn nhà nước. “Con số 49% chỉ là trên danh nghĩa, thực tế là thoái vốn ngay từ đầu”. Trên thực tế, các quy định của pháp luật không cho phép thành lập doanh nghiệp dự án theo kiểu “danh nghĩa” như vậy rồi chuyển toàn bộ các dự án BT cho công ty cổ phần thực hiện. 

Những con số biết nói:

Theo sổ theo dõi cổ đông đến ngày 10.8.2013, sau khi Công ty Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ lên 600 tỉ đồng, số cổ phần của Nhà nước còn rất ít (8,5%) trong khi nhóm cổ đông họ Thân có 5 người nắm giữ tới 58,41% cổ phần gồm: Thân Đức Nghiêm Huân: 148 tỉ đồng, chiếm 24,68%. Thân Đức Tiết: 163 tỉ đồng, chiếm 27,25%. Thân Thục Quyên: 12 tỉ đồng, chiếm 2%. Thân Thị Xí: 10,5 tỉ đồng, chiếm 1,75%. Thân Thị Mỹ Sương: 16,35 tỉ đồng, chiếm 2,73%.
 

Ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KHĐT: Việc làm của Cienco 5 là hoàn toàn trái luật

Về nguyên tắc, khi làm BT (đổi đất lấy hạ tầng) nhà đầu tư phải làm công trình hạ tầng nào đó, sau đó Nhà nước mới trả khu đất. Tuy nhiên, trước khi nhận đất thì chủ đầu tư phải hoàn thành xong hạ tầng. Với dự án đường trục phía nam Hà Nội, khi ký hợp đồng BT chủ đầu tư Cienco 5 được giao đất để làm đường. Nếu chủ đầu tư chưa làm đường thì chưa được phép làm gì với khu đất đó. Trong mọi trường hợp, phải bắt buộc nhà đầu tư hoàn thành nghĩa vụ là công trình hạ tầng rồi mới được khai thác phần đất đối ứng. Nếu để chủ đầu tư hoặc các doanh nghiệp dự án (thuộc chủ đầu tư) chuyển nhượng, mua bán khu đất mà con đường vẫn chưa hoàn thành thì phải làm rõ trách nhiệm cơ quan nhà nước có thẩm quyền là người ký hợp đồng và giám sát thực hiện dự án.

LS Bùi Quang Hưng (Văn phòng luật BQH và Cộng sự - Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Cienco 5 Land không có pháp nhân để kiểm soát khu đô thị Thanh Hà

Nghĩa vụ ghi trong hợp đồng BT giữa UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) với Cienco 5, là chủ đầu tư phải hoàn thành xong đường trục phía nam, và khi UBND TP. Hà Nội nghiệm thu thì chủ đầu tư có quyền khai thác khu đô thị này, khi đó Cienco 5 có quyền chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác. Rõ ràng Cienco 5 đã vi phạm hợp đồng BT với UBND TP. Hà Nội. Còn với Cienco 5 Land là doanh nghiệp dự án của Cienco 5, tuy được cổ phần hóa và hiện tại Cienco 5 không thể nắm quyền kiểm soát Cienco 5 Land. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Cienco 5 mất quyền kiểm soát với khu đô thị Thanh Hà. Theo tôi, Cienco 5 Land hoàn toàn không có pháp nhân gì với khu đô thị Thanh Hà nên doanh nghiệp này không có quyền mua bán đất dự án khu đô thị Thanh Hà.

 T. CHÍ

 
Theo Nhóm PV (Lao Động)