Kinh tế

Dòng tweet của Trump 'cuốn trôi' 1.360 tỷ USD vốn hóa toàn cầu

Chiến tranh thương mại vào tận nhà người Mỹ

Tính trung bình, mỗi chữ trong dòng tweet của Tổng thống Mỹ gây thiệt hại 13 tỷ USD vốn hóa cho thị trường chứng khoán.

Bằng dòng tweet 102 từ trên mạng xã hội hồi đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "thổi bay" 1.360 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu, theo Bloomberg.

Thị trường cổ phiếu trên khắp thế giới đã chuyển sắc đỏ vì dòng tweet đe dọa nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc của Trump. Không chỉ khiến thị trường giảm sốc, hai dòng tweet còn mang sự biến động trở lại. Chỉ số CBOE Volatility Index (VIX) - đo lường sự hoảng sợ - đã tăng 50% trong hai ngày, vượt ngưỡng 20 lần đầu kể từ tháng 1/2019.

Dòng tweet của Trump 'cuốn trôi' 1.360 tỷ USD vốn hóa toàn cầu
Vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm khoảng 1.360 tỷ USD sau dòng tweet của ông Trump. Ảnh: Bloomberg, MSCI

Những rủi ro xoay quanh mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, vốn đã dịu đi trong tâm trí của nhà đầu tư cho tới cuối tuần trước, giờ đang trở lại. Tâm lý lạc quan từng bao trùm thị trường vì tin rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được thỏa thuận, cộng thêm việc các ngân hàng trung ương đang quản lý theo hướng nới lỏng hơn và các báo cáo lợi nhuận từ những doanh nghiệp Mỹ khả quan hơn.

"Những diễn biến mới đây làm gia tăng sự không chắc chắn về khả năng tiến tới một thỏa thuận. Dù trước đó, hầu hết thành viên thị trường đều cho rằng hai bên có thể đạt được điều này", chiến lược gia Eleanor Creagh của Saxo Capital Markets nhận xét. "Điều gì đó đã thay đổi từ cuối tuần trước".

Những gì gây chấn động thị trường chứng khoán toàn cầu chỉ đến từ dòng tweet 102 từ.

Dòng tweet của Trump 'cuốn trôi' 1.360 tỷ USD vốn hóa toàn cầu - 1
Dòng tweet "cuốn trôi" 1,36 nghìn tỷ USD vốn hóa của thị trường chứng khoán toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến lạc quan trước diễn biến mới. Kerry Craig, chuyên gia chiến lược tại JPMorgan Asset Management tin rằng Mỹ - Trung vẫn có thể đạt thỏa thuận thương mại, nhưng việc này có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến. "Sự suy giảm của thị trường chứng khoán một phần do giá cổ phiếu đã tăng quá mạnh và nhà đầu tư cần một lý do để chốt lời", ông nói.

Nhìn từ diễn biến giảm mạnh của thị trường cổ phiếu, rõ ràng một số nhà đầu tư đang điều chỉnh vị thế trong danh mục. "Theo cảm nhận của tôi, nhà đầu tư đã giảm bớt quy mô danh mục như là một biện pháp đề phòng", Jeffrey Halley, chuyên viên phân tích tại Oanda Asia Pacific, nhận định.

Bên cạnh đó, chính sách mềm mỏng hơn của các ngân hàng trung ương hiện nay cũng là một sự khác biệt lớn so với năm ngoái, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ, theo đánh giá của Alex Wong, Giám đốc phụ trách bộ phận tài sản tại Ample Capital, nhận xét.

"Ngay cả khi không có thỏa thuận, tác động cũng không nghiêm trọng tới mức đó", Wong cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. "Tôi không lo lắng về điều này".

Diễn biến của thị trường giờ sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra vào ngày thứ năm và thứ sáu tuần này, khi các nhà đàm phán cấp cao của hai nước gặp nhau tại Washington. "Đây có thể là một tuần đầy cảm xúc", Jeffrey Halley, chuyên viên phân tích tại Oanda Asia Pacific, đánh giá.

Theo Minh Sơn (VnExpress.net)