Kinh tế

Đổi cách tính thuế xăng dầu: Ai thiệt, ai lợi?

Mới đây Bộ Tài chính đã thay đổi cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền để có lợi hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cách tính mới này cũng phát sinh thêm một số vấn đề trong khi vẫn chưa thể giải quyết được những bất cập của cách tính thuế hiện tại.

Đổi cách tính thuế xăng dầu: Ai thiệt, ai lợi?
Ảnh minh họa

Ai chịu thiệt, ai hưởng lợi?

Khi áp dụng cách tính thuế mới, một trong số những điểm băn khoăn lớn nhất là, hiện tại doanh nghiệp xăng dầu trong nước đang nhập khẩu từ các thị trường như Hàn Quốc với thuế suất 10%, từ các nước ASEAN và một số nước khác với thuế suất 20%.

Như vậy, với mức thuế suất bình quân gia quyền được áp dụng thấp hơn mức thấp nhất là 10%, một số doanh nghiệp cho biết đang “chịu thiệt” trong khi người tiêu dùng “hưởng lợi”. Trong khi đó, ngược lại, nếu không tính xăng của lọc dầu Dung Quất thì người tiêu dùng thiệt. Bởi mức thuế bình quân gia quyền với xăng sẽ vọt lên trên 10% trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xăng không chịu mức thuế cao như vậy.

Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cũng cho biết: “Việt Nam đang thực hiện nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác nhau nên có nhiều mức thuế khác nhau. Bình thường không tính Dung Quất thì thuế bình quân gia quyền trên 10%, còn trong bối cảnh có Dung Quất thì xuống dưới 10%.

Về lý thuyết tính thuế bình quân gia quyền như vậy thì đúng nhưng thực tế làm như vậy thì khó áp dụng. Thuế là một yếu tố tính giá cơ sở, nếu tính giá cơ sở tính thuế 10% mà doanh nghiệp nhập 20% thì doanh nghiệp chết, mà doanh nghiệp chết thì có khi anh phải bù lại bằng những khoản khác”.

Cách tính rối rắm, khó chính xác

Theo công thức, mức thuế bình quân gia quyền sẽ phụ thuộc vào sản lượng và mức thuế nhập khẩu xăng dầu của Hàn Quốc, ASEAN và hiện tại là cả lọc dầu Dung Quất. Thêm vào đó, tới năm 2018, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) sẽ đi vào vận hành thương mại, giống như Dung Quất, công thức tính của cơ quan quản lý sẽ phải bổ sung thêm nguồn nhập này.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thừa nhận cách tính hiện tại “không minh bạch và rất khó hiểu”. Để giải quyết bài toán cân bằng lợi ích, ông Ruệ cho rằng: “Bây giờ thuế có lợi cho người tiêu dùng nhưng doanh nghiệp chết, ví dụ nhập 10%, mà thuế có 8,3% nghiễm nhiên doanh nghiệp mất 1,7%. Do đó, tôi đề nghị bỏ giá cơ sở, chỉ ra khung giá cho doanh nghiệp tham khảo thôi, không thể lấy giá cơ sở áp đặt cho giá bán lẻ. Đồng thời, đưa tất cả mức thuế chung về 10% với xăng và 0% với dầu nhằm đảm bảo tính minh bạch trong khi người tiêu dùng và DN đều có lợi”.

Về cách tính thuế bình quân gia quyền, cơ quan quản lý là Bộ Công Thương cũng từng cho biết, về lâu dài sẽ cùng Bộ Tài chính nghiên cứu. Tuy nhiên, kể từ khi được áp dụng từ kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21.3.2016 đến nay, vẫn chưa có giải pháp đáng kể nào được chính thức đưa ra.

Theo Lâm An (Lao Động)