Kinh tế

Doanh nghiệp Nhà nước: Vẫn còn tình trạng sếp lương 50-70 triệu đồng nhưng làm ăn thua lỗ

 Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo về tình hình thực hiện quản lý tiền lương khu vực trong các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2013-2015. Mức trung bình tiền lương thấp nhất của người lao động thuộc một số tập đoàn vào khoảng 12.000.000 đồng/tháng. Một số chủ đại diện sở hữu vốn nhà nước còn có mức lương tới 50-70 triệu đồng nhưng vẫn để doanh nghiệp thua lỗ.

 
 Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo về tình hình thực hiện quản lý tiền lương khu vực trong các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2013-2015. Mức trung bình tiền lương thấp nhất của người lao động thuộc một số tập đoàn vào khoảng 12.000.000 đồng/tháng. Một số chủ đại diện sở hữu vốn nhà nước còn có mức lương tới 50-70 triệu đồng nhưng vẫn để doanh nghiệp thua lỗ.
 
 Tiền lương trung bình thấp nhất của lao động thuộc một số tập đoàn đạt 12 triệu đồng/tháng.

Một trong những lưu ý của Bộ LĐ-TB&XH là việc quản lý, sử dụng lao động ở một số doanh nghiệp chưa thực sự tiết kiệm và hiệu quả, số lao động dôi dư vẫn còn nhiều, tổ chức bộ máy chưa thật tinh gọn. Công tác xác định quỹ tiền lương thực hiện hàng năm chỉ dựa vào thực hiện năm trước, không gắn nhiều với kế hoạch dẫn đến không khuyến khích doanh nghiệp và thực hiện chậm, trả lương còn bình quân.

Đối với viên chức quản lý ở doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao chỉ được hưởng mức lương tối đa theo quy định (chủ tịch tập đoàn 54 triệu/tháng) so với mặt bằng tiền lương trên thì thường thì còn thấp, không tạo được động lực cho phấn đấu tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ngược lại một số doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả thấp ở địa phương hưởng mức lương 30 - 35 triệu đồng/tháng thì lại quá cao so với mặt bằng tiền lương ở địa phương và tạo chênh lệch lớn với người lao động.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, đối với công ty có cổ phần chi phối của Nhà nước, do chưa có quy định riêng dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện (thông qua người đại diện vốn) của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước rất khác nhau.

Một số đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chỉ đạo áp dụng quy định như doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, dẫn đến cứng nhắc. Một số lại giao toàn quyền cho người đại diện vốn tham gia với doanh nghiệp, nên có xu hướng đẩy tiền lương của viên chức quản lý lên cao (có trường hợp lỗ, hiệu quả thấp nhưng hưởng mức lương 50 - 70 triệu đồng/tháng. Thậm chí hàng trăm triệu đồng/tháng), trong khi tiền lương của người lao động không tăng, thậm chí giảm, tạo ra chênh lệch lớn về tiền lương, thu nhập với người lao động.

Đánh giá tổng quát, Bộ LĐ-TB&XH nhận định: Mức tiền lương bình quân năm 2013 của người lao động trong các công ty mẹ - Tập đoàn, Tổng công ty 91/TTg đạt khoảng 12 triệu đồng/người/tháng, năm 2014 đạt khoảng 12,9 triệu đồng/người/tháng, năm 2015 đạt khoảng 14,3 triệu đồng/người/tháng.

Viên chức quản lý công ty mẹ - Tập đoàn, Tổng công ty 91/TTg giai đoạn 2013 - 2015 bình quân khoảng 40 - 45 triệu đồng/tháng, viên chức quản lý ở những doanh nghiệp có nhiều lợi thế (trước đây hưởng 70 - 80 triệu đồng/tháng), nay chỉ còn 45 - 50 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp ít có lợi thế, doanh nghiệp thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công ích (trước đây hưởng mức 8-10 triệu đồng/tháng), nay được nâng lên khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, đã làm giảm khoảng cách chênh tiền lương của các viên chức quản lý giữa các doanh nghiệp, giữa viên chức quản lý với người lao động trong cùng doanh nghiệp theo đúng yêu cầu tại Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tiền lương nhà nước tại văn bản số 342/TB-VPCP ngày 08/10/2012.

Theo Hoàng Mạnh (Dân Trí)