Kinh tế

Doanh nghiệp đề nghị sửa tới… 50 luật

150 điều khoản của khoảng 50 văn bản luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh đang được các doanh nghiệp đề xuất sửa đổi, bổ sung, chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng.

150 điều khoản của khoảng 50 văn bản luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh đang được các doanh nghiệp đề xuất sửa đổi, bổ sung, chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng.

Ảnh minh họa

Báo cáo rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong Hội thảo về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh cuối tuần trước đã điểm danh 37 luật và bộ luật.

Có thể kể tới Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lao động, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Phí, lệ phí… và cả Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Nhưng vẫn chưa đủ. Luật Giáo dục, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đầu tư công và nhiều văn bản luật khác đã được các doanh nghiệp kiến nghị bổ sung vào danh sách rà soát.

“Mặc dù đây mới là ý kiến của doanh nghiệp. Công việc tiếp theo phải làm sẽ là trao đổi, đối thoại với các cơ quan có liên quan để có phân tích chi tiết. Nhưng, quan điểm của chúng tôi là luật pháp ổn định là tốt, nhưng doanh nghiệp sẽ hoan hô sự thay đổi theo hướng tích cực, chứ không phải ôm ấp sự ổn định bất hợp lý”. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trao đổi với các đồng chủ tọa Hội thảo là ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi có ý kiến đặt vấn đề có nên sửa những văn bản luật vừa có hiệu lực khoảng 1 năm.

Không phải lần đầu tiên, hình thức một luật sửa nhiều luật được đặt ra. Năm 2009, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, khi thấy vướng mắc giữa các luật làm khó cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Lần này, nguyên nhân lặp lại tương tự.

Bà Nguyễn Kim Dung, chuyên gia pháp chế của Trung tâm Anh ngữ Apollo, khi đề nghị rà soát và sửa đổi Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn, nhất là Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã nhắc lại, các nội dung này đã được các doanh nghiệp nước ngoài thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) gửi tới các cơ quan liên quan nhiều năm nay.

“Chúng tôi kiến nghị bỏ khoản 2, Điều 32, Điều 33, 34 Nghị định 73/2012/NĐ-CP vì xung đột với quy định tương tự của Luật Đầu tư. Điều này yêu cầu nhà đầu tư nộp đề án tiền khả thi, giải trình kinh tế kỹ thuật, trong khi Luật Đầu tư không có. Luật Đầu tư cũng đã thay đổi thủ tục thẩm tra bằng đăng ký với các dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, nhưng Nghị định 73/2012/NĐ-CP vẫn quy định thẩm tra điều kiện giáo dục…”, bà Dung phân tích chi tiết.

Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là kiến nghị thống thiết nhất. Ông Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Kinh tế, Tổng hội Địa chất Việt Nam, còn đề xuất sửa toàn bộ Luật Khoáng sản vì có nhiều điều kể từ thời điểm hiệu lực, vào năm 2011, đến giờ vẫn không thực hiện được.

“Khoản 1, Điều 31 quy định giấy phép khai thác khoáng sản của doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực thì cũng chấm dứt hợp đồng thuê đất. Vậy cơ sở nào để doanh nghiệp được vào địa phận của mỏ, hoàn tất các yêu cầu cửa mỏ, phục hồi môi trường... như quy định”, ông Thụ than phiền.

Đại diện pháp chế của Công ty Yahama Motor cũng bổ sung Luật Kinh doanh đất động sản với lý do có những quy định không thể xác định nội hàm.

“Điều 10 luật này cho phép tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp, nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật. Câu hỏi của chúng tôi là thế nào là quy mô nhỏ, không thường xuyên là 1 năm hai lần hay bao nhiêu lần? Nhưng quy định như thế này cần phải được rà soát và bãi bỏ để doanh nghiệp thực sự biết chắc sẽ được làm gì, không được làm gì”, vị đại diện này đề nghị.

Không những khó tiên lượng, sự mập mờ, xung đột trong các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đang đẩy doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro.

Đặc biệt, các doanh nghiệp kiến nghị loại bỏ những quy định mang tính rào cản gia nhập thị trường, như bỏ quy định doanh nghiệp phát hành phim phải có rạp chiếu phim của Luật Điện ảnh, quy định phẩm chất đạo đức của Luật Giá...

“Doanh nghiệp rất khổ với thanh tra, kiểm tra, 1 năm phải vài chục cuộc, nội dung giống nhau, nhưng các cơ quan khác nhau vì tuân thủ các luật khác nhau. Chúng tôi đề nghị thành lập ban soạn thảo luật sửa nhiều luật vì để đảm bảo tính đồng bộ và tránh cát cứ trong xây dựng pháp luật”, ông Thụ bổ sung.

Theo Khánh An (Báo Đầu Tư)