Kinh tế

Doanh nghiệp của bà chủ lô mỹ phẩm 11 tỷ đồng có trốn thuế?

Trao đổi với PV, các chuyên gia kinh tế, luật sư đều cho rằng, cần phải làm rõ việc doanh nghiệp của bà chủ lô mỹ phẩm 11 tỷ đồng có trốn thuế hay không?

Doanh nghiệp của bà chủ lô mỹ phẩm 11 tỷ đồng có trốn thuế?
Doanh nghiệp của bà chủ lô mỹ phẩm 11 tỷ đồng có trốn thuế? (Ảnh: IT)

Không có hóa đơn chứng từ thì chắc chắn trốn thuế

Liên quan tới vụ việc lô mỹ phẩm trị giá 11 tỷ đồng được dư luận đặc biệt quan tâm trong suốt những ngày qua, trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: “Bản thân lô mỹ phẩm với 14.000 sản phẩm đã được cơ quan chức năng khẳng định 100%  không có hóa đơn chứng từ thì chẳng có căn cứ gì để kê khai thuế được. Nếu đã là hàng lậu, hàng giả, hàng nhái thì làm gì có ai lại đi nộp thuế. “Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái lại là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là đáng đi tù, vì nó không chỉ làm ảnh hưởng tới kinh tế mà còn ảnh hưởng tới nhan sắc, sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng nên cần phải bị xử lý về mặt hình sự”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trước đó, theo tìm hiểu của Dân Việt, một tờ báo đã đăng công khai chân dung CEO Nguyễn Đức Tân – Tổng Giám đốc TS Group với những thông tin được công bố: “Vượt qua những rào cản, vướng mắc và khó khăn bước đầu, CEO Nguyễn Đức Tân từng bước “vượt Vũ Môn”, đưa con thuyền TS Group tiến lên một cách vững chãi, dùng Tâm và Tầm của một thủ lĩnh để gây dựng sự nghiệp. Và chính điều đó đã tạo nên vị thế, tên tuổi và uy tín cho TS Group hôm nay. Chỉ trong vòng 2 năm nhưng TS Group đã làm nên những điều kỳ diệu mà khó có doanh nghiệp nào khác đạt được: Hơn 2.000 đại lý hoạt động hiệu quả tại 64 tỉnh thành trên cả nước”.

Doanh nghiệp của bà chủ lô mỹ phẩm 11 tỷ đồng có trốn thuế? - 1
Các thông tin về những đại lý của TS Group bán hàng hiệu quả và chuyển tiền để trả tiền hàng luôn được doanh nghiệp này chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh: IT)

Như vậy, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ của bà Nguyễn Thu Trang, chủ lô mỹ phẩm trị giá 11 tỷ đồng không chỉ tuyên bố thành lập một tập đoàn với tên gọi TS Group trong thời gian khoảng 2 năm mà còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn người. Trên mạng xã hội, TS Group còn công bố thành lập chi nhánh ở rất nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Singapo, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nga…Điều đáng nói là doanh nghiệp này còn thường xuyên chia sẻ những thông tin của các đại lý bán hàng online có những khoản giao dịch chuyển tiền về cho công ty để trả tiền bán hàng với những khoản tiền rất lớn.

Trong khi đó, chính doanh nghiệp của bà chủ lô mỹ phẩm 11 tỷ đồng đã từng bị Đội quản lý Thị trường số 26 (Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội) xử phạt 37 triệu đồng, trong đó có ghi rõ là có dấu hiệu trốn thuế. Cụ thể, Theo ông Lê Quốc Dũng - Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 26, vi phạm của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TS Việt Nam là kinh doanh hàng lậu không xuất trình được giấy tờ; không khai báo địa chỉ cho cơ quan thuế, có dấu hiệu trốn thuế.

Câu hỏi đặt ra là trong suốt thời gian từ khi Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam của bà Nguyễn Thu Trang được cấp phép và hoạt động vào ngày 25.2.2016 đến nay có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước hay không?

Trao đổi với Dân Việt trước đó, LS Nguyễn Thế Truyền – Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho biết: Với việc cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ lần thứ 2 chỉ cách nhau chưa đầy 3 tháng và đặc biệt là số lượng hàng hóa lên tới 14.000 sản phẩm, có giá trị 11 tỷ đồng thì vụ việc hết sức nghiêm trọng. Cùng với việc tái phạm một lỗi thì cơ quan chức năng khi điều tra mà có kết luận kinh doanh hàng giả là đủ căn cứ để khởi tố hình sự. LS Truyền cũng cho rằng, các cơ quan thuế cũng cần vào cuộc để làm rõ việc kinh doanh của doanh nghiệp này có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế hay không, vì thông thường đã kinh doanh hàng giả lại bán hàng online sẽ có nguy cơ cao trốn thuế.

Doanh nghiệp của bà chủ lô mỹ phẩm 11 tỷ đồng có trốn thuế? - 2
Đến nay, toàn bộ hệ thống bán hàng online của bà chủ lô mỹ phẩm trị giá 11 tỷ đồng đã ngừng hoạt động (Ảnh: IT)

Ngành thuế đã vào cuộc?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam của bà Nguyễn Thu Trang có MST: 0107334012; Địa chỉ: Số 4, ngách 58, Ngõ 30 phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội); Như vậy, xét theo địa bàn thì công ty này sẽ phải khai báo và nộp thuế tại Chi Cục thuế quận Hai Bà Trưng thuộc Cục thuế Hà Nội.

Để làm rõ việc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam của bà Nguyễn Thu Trang có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước hay không, Dân Việt đã có Công văn gửi đến Chi Cục thuế quận Hai Bà Trưng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

“Tôi cho rằng các cơ quan thuế không thể chông chờ vào sự tự giác của cá nhân, tổ chức nộp thuế mãi được mà cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và đặc biệt là phải có chết tài xử lý nghiêm để đủ sức răn đe, buộc các chủ thể kinh doanh phải tự giác thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế khi kinh doanh online”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Trao đổi với PV ngày 8.11 qua điện thoại, ông Phan Văn Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hai Bà Trưng cho biết: “ Sẽ kiểm tra ngay văn thư xem công văn của báo đã đến chưa. Theo quy chế phát ngôn, Chi Cục sẽ gửi thông tin lên phòng tuyên truyền của Cục thuế Hà Nội để người được giao phát ngôn sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”. Tuy nhiên, từ ngày 8.11, phóng viên nhiều lần gọi lại cho ông Phúc nhưng vị lãnh đạo này không nghe máy, nhắn tin cũng không thấy trả lời lại.  

Nếu như một vụ việc tương tự là vụ Khaisilk, Tổng cục Thuế ngay sau đó đã có chỉ đạo các đơn vị vào cuộc thì một vụ việc đang được dư luận quan tâm với giá trị sản phẩm rất lớn lên tới 11 tỷ lại chưa thấy ngành Thuế chính thức có ý kiến. 

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, kinh doanh online là hình thức mới ở Việt Nam nên các cơ quan thuế dù có yêu cầu kê khai nhưng khâu kiểm tra, kiểm soát còn nhiều bất cập. Thông thường, đối với các doanh nghiệp lớn thì thường thực hiện nghiêm túc và có đầy đủ hóa đơn chứng từ về mua bán, xuất nhập khẩu. Nhưng với cá nhân nhỏ lẻ thì đa phần các cơ quan chức năng chưa thể kiểm tra hết được, thậm chí là chưa có đủ cơ chế để kiểm tra.

Cũng theo ông Thịnh, hiện các cơ quan thuế vẫn chủ yếu trông chờ vào các doanh nghiệp tự kê khai và tự nộp thuế cho Nhà nước. Thực tế, các cá nhân tổ chức kinh doanh online có tự giác hay không thì việc kiểm soát của ngành thuế chưa thực sự chặt chẽ và chưa đầy đủ với hoạt động kinh doanh online. Đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân online thì hầu như chưa kiểm soát được.