Kinh tế

Điều gì làm nên mức giá đắt đỏ của đào thất thốn?

Màu hoa đặc biệt, giống hiếm, khó trồng... được cho là trong những yếu tố khiến đào thất thốn có giá từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng/cây, đắt hơn nhiều lần so với đào thường.

Màu hoa đặc biệt, giống hiếm, khó trồng... được cho là trong những yếu tố khiến đào thất thốn có giá từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng/cây, đắt hơn nhiều lần so với đào thường.

 

Một cây đào thất thốn có giá thấp nhất cũng đến 10 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Lan. 

 
Anh Lê Văn Hàm, một nghệ nhân trồng đào ở Nhật Tân là người tìm ra phương pháp “ép” đào thất thốn nở đúng dịp Tết cho đến thời điểm hiện tại. Anh cho biết, đã nghiên cứu hơn 20 năm, đổ bao công sức và tiền bạc mới chỉ khám phá phần nào được giống “đào tiên” này.
 
Nguồn gốc và tên gọi của đào thất thốn có từ rất lâu nhưng để giải thích rõ ràng thì vẫn còn là ẩn số. Cụ Thành (81 tuổi), đã có 60 năm trồng đào cho biết, các các cụ ngày trước thường giải thích về tên gọi “thất thốn” theo 3 nghĩa. Thứ nhất, là trong một cây đào thất thốn, cứ khoảng 7 “thốn” (mỗi thốn bằng khoảng một đốt ngón tay) lại chia ra các cành nhỏ, mỗi đầu cành ra hoa hay có 7 bông tượng trưng cho chữ thất. Nghĩa thứ hai là lá đào thất thốn dài 7 thốn, gấp 3 - 4 lần so với lá đào thường. Thứ 3, là 7 năm đào thất thốn mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh.
 

Để hoàn thiện được một cây đào thất thốn dáng đẹp, ra hoa đúng dịp Tết âm phải mất 8 - 10 năm. Ảnh: Ngọc Lan. 

 
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc trồng đào thất thốn, anh Lê Hàm cho biết, đào thất thốn phát triển chậm gấp 3 - 4 lần so với đào thường. Từ khi chiết cành cho đến hoàn thiện dáng, cho nở hoa đúng Tết mất khoảng 8 - 10 năm. Trong một năm, nếu biết chăm sóc tốt, cảnh đào sẽ mọc được tối đa là 7 thốn, khoảng 1 gang tay. Trong khi đó, các giống đào khác chỉ 1 - 2 năm là có thể cho dáng đẹp và có giá trị.
 
Giống đào thất thốn còn cho ra hoa kép. Trong một thốn đào, có thể ra vài chục bông hoa cùng lúc. Hoa có màu hồng thẫm, số lượng cánh hoa trên một bông đào thất thốn tối đa khoảng 49 - 50 cánh. “Đặc điểm 'khó ưa' nhất của đào thất thốn là chúng thường chỉ ra hoa vào khoảng rằm tháng Giêng. Để ép cho đào thất thốn ra hoa đã khó, và cho nó nở đúng dịp Tết lại càng khó hơn”, anh Hàm nói.
 

Rất nhiều nhà vườn thất bại khi trồng đào thất thốn. Ảnh: Ngọc Lan. 

 
Hiện ở vườn đào nổi tiếng Nhật Tân, chỉ đếm trên ngón tay hộ trồng được loại đào này. Vì là loại đào quý và khó chơi nên giá của đào thất thốn khá cao, dao động từ 10 đến 30 triệu đồng/cây, với những cây có dáng đặc biệt, giá có thể lên đến hơn 50 triệu đồng/cây.

Đã chơi đào thất thốn nhiều năm nay, anh Hải, một doanh nhân ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, chỉ những người thực sự chơi và hiểu cây mới thưởng thức được hết giá trị của đào thất thốn. Theo anh, cái đáng quý nhất mà đào thất thốn có được hơn các loại đào thường là lộc bật và hoa đâm ngang ra từ gốc xù xì.

Hiện nay, vườn đào thất thốn của anh Hàm có khoảng 80 cây thế đẹp, có thể trưng dịp Tết. Nhưng ngay từ đầu năm 2014, đã có một vài khách đến nhắn nhủ và “chọn mặt, gửi vàng” cây đào thất thốn ưng ý nhất.

Bác Hiệp, một nhà vườn đào thế nổi tiếng ở Nhật Tân cũng nhiều năm trồng thử số lượng ít đào thất thốn nhưng đều thất bại. Hiện tại, nhà vườn chỉ có 3 - 4 gốc đào thất thốn trong tổng số gần 1.000 gốc đào thế. Bác tâm sự: “Đào thất thốn phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ nhú vài cm. Đã 4 - 5 năm trồng thử loại đào quý này nhưng tôi đều thất bại. Hiện nay, tôi chỉ trồng vài cây cho vui, còn chủ yếu đầu tư vào thị trường đào thế. Không ít người đã từng 'lao đầu' vào làm đào thất thốn nhưng vừa mất thời gian và cuối cùng cũng ‘sôi hỏng bỏng không'", bác Hiệp nói.

Theo Ngọc Lan (Zing.vn)