Kinh tế

Đến lượt Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị coi Uber, Grab là taxi

Trong văn bản góp ý Bộ GTVT, Hiệp hội Taxi TP.HCM nêu ra nhiều vấn đề, kiến nghị liên quan đến hoạt động, vận hành của Grab, Uber trong đó có việc coi 2 "hãng" trên là taxi.

Hiệp hội Taxi TP.HCM vừa có văn bản góp ý Bộ GTVT về Nghị định 86 sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

'Uber, Grab sử dụng vốn nước ngoài để thao túng thị trường rồi báo lỗ'

Hiệp hội đề xuất cần quy định rõ Uber, Grab là 2 doanh nghiệp vận tải hành khách taxi. Theo cơ quan này, đơn vị cung cấp phần mềm chỉ cung cấp phần mềm, không được định giá cước, không sử dụng nguồn vốn của mình để khuyến mại. Uber, Grab cũng không được điều hành trực tiếp hoạt động vận tải, không ký hợp đồng trực tiếp với lái xe mà chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải.

Hiệp hội cũng đề xuất cần có quy định ngăn cấm Uber, Grab dùng nguồn vốn nước ngoài vào khuyến mại, quảng cáo. Cơ quan này cho rằng 2 đơn vị này dùng nguồn vốn đó để thao túng, chiếm thị trường trường vận tải khách bằng taxi rồi báo lỗ.

Đến lượt Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị coi Uber, Grab là taxi
Hiệp hội Taxi TP.HCM yêu cầu cần sửa đổi quy định, coi Uber, Grab như taxi. Ảnh: Lê Quân.

Một số kiến nghị khác được đưa ra là quy định về việc Uber, Grab đặt máy chủ ở Việt Nam, ký hợp đồng, xử lý tranh chấp tại Việt Nam. Trách nhiệm của các đơn vị vận tải hành khách ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp phần mềm cũng cần được làm rõ. 

Cơ quan này còn đề nghị Bộ GTVT làm rõ một số vấn đề liên quan phát sinh trong việc thực hiện Quyết định 24 về thí điểm hợp đồng xe điện tử. “Ký hợp đồng với nhiều HTX hình thành một thị trường thống nhất do họ chỉ huy điều hành như một doanh nghiệp vận tải. Điều này phản ánh một số nội dung cần giải quyết trong nghị định mới”, văn bản này nêu rõ.

Theo Hiệp hội, Uber và Grab điều hành quản lý như một doanh nghiệp vận tải taxi nhưng thực tế chỉ mới được coi là cung ứng phần mềm. Từ đó, thị trường được hình thành với quy mô lớn chỉ có 2 công ty điều hành, cạnh tranh với doanh nghiệp taxi. Việc Uber, Grab hoạt động chủ yếu thông qua chính sách giá cả, khuyến mại, theo Hiệp hội, là trái với quy định của Luật Cạnh tranh.

Đến lượt Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị coi Uber, Grab là taxi - 1
Hiệp hội taxi TP.HCM đặt câu hỏi về việc kiểm soát số lượng xe Uber, Grab, không giống như taxi. Ảnh: Quỳnh Trang.

'Cơ quan nào đang quản lý số xe Uber, Grab?'

Hiệp hội Taxi TP.HCM còn cho rằng pháp lý về ký kết với công ty nước ngoài bị yếu thế, xử lý tranh chấp ở Hà Lan khó khăn. Cơ quan này đặt câu hỏi liệu doanh nghiệp có đủ kinh phí để theo đuổi vụ kiện cũng như câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm với hành khách khi xảy ra sự cố.

Ngoài ra, đơn vị này có câu hỏi về số liệu xe chính xác mà Uber, Grab báo cáo. Theo Hiệp hội, hiện chưa có cơ quan nào quản lý số xe này nên làm sao xác định thuế đã được đóng đủ qua phần mềm.

Đến lượt Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị coi Uber, Grab là taxi - 2

Ngoài ra, còn có rủi ro trong việc đầu tư xe con cũng như lái xe chạy hợp đồng với đơn vị Uber, Grab. Khi họ chiếm lĩnh thị trường taxi liệu có còn duy trì tỷ lệ ăn chia trên doanh thu vận tải 20-25% hay sẽ thay đổi còn còn 70%, thậm chí là thấp hơn? Quyền lợi bảo hiểm đối với lái xe sẽ ra sao”, văn bản của Hiệp hội Taxi TP.HCM  đặt câu hỏi.

Trước Hiệp hội Taxi TP.HCM, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng có văn bản kiến nghị dừng hẳn Uber, Grab trong tháng 9. 

Bộ GTVT đang lấy ý kiến bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội để sửa Nghị định 86 năm 2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh doanh nghiệp vận tải bằng ôtô. Theo Bộ này, sau 2 năm thực hiện, các địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt trong việc thực hiện các quy định liên quan đến loại hình vận tải xe taxi và xe hợp đồng điện tử.