Kinh tế

Đề xuất không ưu đãi cho đầu tư casino ở đặc khu kinh tế

Đại biểu Quốc hội cho rằng doanh nghiệp làm casino ở các đặc khu kinh tế không nên được ưu đãi mà phải tận thu thuế để đầu tư cho hạ tầng.

Đại biểu Quốc hội cho rằng doanh nghiệp làm casino ở các đặc khu kinh tế không nên được ưu đãi mà phải tận thu thuế để đầu tư cho hạ tầng.

Hiện Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập ba khu kinh tế, hành chính đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Tại dự thảo Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, ngoài các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cảng biển, thương mại tài chính… ngành dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino được đưa vào danh mục các ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Ngoài ra, casino, trò chơi điện tử có thưởng được áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt là 10% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ.

de-xuat-khong-uu-dai-cho-dau-tu-casino-o-dac-khu-kinh-te

Thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Thành.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc đánh giá: “Chỉ cần cấp phép casino là có hàng nghìn nhà đầu tư đăng ký nên ngành nghề này không cần được ưu tiên. Thuế tiêu thụ đặc biệt giảm xuống 10% cũng là vô lý, ngược lại phải tận thu cho bằng được để tăng ngân sách đầu tư cho hạ tầng”.

Ông Quốc cho rằng không phải ở đặc khu kinh tế thì ngành nghề nào cũng được ưu tiên, miễn giảm thuế dẫn đến không có nguồn thu cho ngân sách. Ông Quốc nói cần vạch chiến lược ngành nào cần ưu tiên thì ưu tiên đến cùng, như những ngành nghề công nghệ cao, công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường… Còn những ngành không cần ưu tiên phải tranh thủ thu thuế.

Góp ý cho dự thảo, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM cũng nói rằng nên thận trọng cấp phép casino ở các đặc khu kinh tế.

“Không nên nghĩ những đặc khu này là cho mở casino thoải mái, cũng không nên khuyến khích thu hút đầu tư lĩnh vực này. Các nước cũng quy định chặt chẽ, giới hạn số lượng. Hiện nay nước ta đã có 6 casino đang hoạt động, không thu được nhiều tiền cho ngân sách, mỗi năm chỉ vài trăm tỷ đồng", bà Thảo nói.

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của các doanh nghiệp tại đặc khu kinh tế. Theo dự thảo, nhà đầu tư được đề nghị Trưởng đặc khu và Thủ tướng cho phép sử dụng đất đến 99 năm.

Đại biểu Phạm Phú Quốc lo ngại: “Cho phép doanh nghiệp nước ngoài thuê đất đến 99 năm là nhiều. Các đặc khu của chúng ta đều là những vị trí đặc thù biển đảo, gần biên giới. Mặc dù thẩm quyền của đặc khu lớn, nhưng phải tôn trọng quy hoạch của an ninh quốc phòng. Tôi đề nghị chỉ cho sử dụng 50 năm. Đương nhiên sau 50 năm, cho họ được gia hạn nếu không vi phạm pháp luật. Việc cấp thời gian ngắn cũng có lợi, nếu sau vài năm hoạt động họ có vi phạm, nhất là vi phạm pháp luật môi trường thì chúng ta khó thu hồi được”.

Đại tá Lê Anh Đức, Quân khu 7, đồng tình với đại biểu Quốc và cho rằng không thể vì mục tiêu kinh tế mà lơ là quốc phòng. Đại tá Đức nói không phải cứ đầu tư để phát triển kinh tế, du lịch là muốn xây dựng sao cũng được.

Theo đại tá Đức, đối với các vị trí đã quy hoạch, khi doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy hoạch của quốc phòng.

Dự thảo Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt gồm hơn 70 điều, đang tiếp tục lấy ý kiến, để trình Quốc hội thảo luận, thông qua.

Theo Tuyết Nguyễn (VnExpress.net)