Kinh tế

Đề xuất không tăng giá điện, phí giao thông trong năm 2016

Quan điểm được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra sau nhận định cho rằng nguy cơ lạm phát tăng cao tiếp tục tiềm ẩn do giá dầu, lương thực - nông sản phục hồi.

Quan điểm được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra sau nhận định cho rằng nguy cơ lạm phát tăng cao tiếp tục tiềm ẩn do giá dầu, lương thực - nông sản phục hồi.

Về kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, cơ quan này kiến nghị từ nay đến cuối năm không tăng giá điện, giá phí giao thông đường bộ. Các bộ, ngành liên quan cần xây dựng phương án điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phù hợp, không để tác động mạnh tới giá cả thị trường trong nước, gây áp lực lên lạm phát.

de-xuat-khong-tang-gia-dien-phi-giao-thong-trong-nam-2016

Lãnh đạo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5. Ảnh: VGP

Trước đó, theo chỉ đạo về công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và tính toán kịch bản về phương án điều chỉnh giá điện theo lộ trình thị trường, trong đó có báo cáo cụ thể về giá thành, giá bán, lỗ lãi, các khoản còn treo... Tuy vậy, phát biểu gần đây, lãnh đạo EVN cũng khẳng định chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán lẻ điện cho năm 2016.

Cũng theo đề xuất nêu trên của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ngành tài chính sẽ chủ trì giám sát hoạt động kê khai giá của doanh nghiệp, nhất là các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, nông lâm nghiệp và thủy sản, tư liệu sản xuất... Cơ quan điều hành cũng sẽ thận trọng trong việc xem xét dỡ bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng liên tục trong 4 tháng qua. Riêng tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ, CPI bình quân 5 tháng tăng 1,59%. Lạm phát cơ bản (CPI loại trừ giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý...) bình quân 5 tháng tăng 1,78%.

Cơ quan này nhận định lạm phát 5 tháng đầu năm thấp, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao, đặc biệt là tình hình giá dầu thô và lương thực, nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục tăng. Hiện dầu thô đã tăng giá 80% so với mức giá thấp nhất trong tháng 1/2016 và có thể tăng cao hơn trong thời gian tới, sẽ tác động làm tăng giá hầu hết các vật tư, nguyên liệu, đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên, gây áp lực tăng mặt bằng giá đầu ra. Khi lạm phát tăng cao, sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất huy động, khó có thể thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất cho vay để kích thích sản xuất và tăng trưởng.

Phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra trong hai ngày 1-2/6 sẽ thảo luận hai nội dung lớn, bao gồm công tác xây dựng thể chế, văn bản quy định chi tiết thi hành các luật và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Quốc hội đề ra năm 2016, trong đó nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm.

Theo Vinh An (VnExpress.net)