Kinh tế

Đằng sau động thái trả 10% cổ tức bằng tiền mặt của HDBank

Quyết định chi 809 tỷ đồng để thanh toán 10% cổ tức bằng tiền mặt đã tạo ra hiệu ứng ngoài mong đợi về thương hiệu cho HDBank, nhất là trong bối cảnh nhiều “ông lớn” cũng vắng bóng cổ tức. Nhưng đằng sau động thái tạo sự phấn kích cho cổ đông của HDBank là gì?

 
Quyết định chi 809 tỷ đồng để thanh toán 10% cổ tức bằng tiền mặt đã tạo ra hiệu ứng ngoài mong đợi về thương hiệu cho HDBank, nhất là trong bối cảnh nhiều “ông lớn” cũng vắng bóng cổ tức. Nhưng đằng sau động thái tạo sự phấn kích cho cổ đông của HDBank là gì?
dang sau dong thai tra 10% co tuc bang tien mat cua hdbank hinh anh 1
 

 

Báo cáo tài chính được HDBank công bố thiếu hẳn phần báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, thuyết minh báo cáo tài chính. Đây là phần quan trọng để cổ đông và nhà đầu tư biết nợ xấu, cơ cấu dư nợ, dòng tiền, rủi ro lãi suất, thanh khoản, chất lượng nợ… của ngân hàng nói chung và HDBank nói riêng.

Tại sao năm nay HDBank lại không công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 đầy đủ như những năm trước? Đây là câu hỏi đang chờ câu  trả lời từ thành viên HĐQT và ban điều hành của HDBank.

Tuy nhiên, có một vài con số cũng đã “tố cáo” năng lực của HDBank. Với tổng tài sản 106.485 tỷ đồng và vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2015 của HDBank chỉ đạt 788 tỷ đồng.

Ví như Techcombank với tổng tài sản là 191.993 tỷ đồng và vốn điều lệ 8.878 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2015 là 2.037 tỷ đồng. Hay như VPBank với tổng tài sản là 193.876 tỷ đồng và vốn điều lệ là 8.056 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt 3.096 tỷ đồng…

Trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng vọt. Theo báo cáo tài chính năm 2015, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của HDBank là 934 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2014 là 456 tỷ đồng.

Vẫn còn những băn khoăn về việc liệu HDBank có trích lập dự phòng đầy đủ không. Thời gian qua, tình trạng “ăn bớt” dự phòng rủi ro diễn ra ở khá nhiều ngân hàng lớn như Eximbank, ACB, VPBank… nên cổ đông cũng không khỏi nghi ngờ.

Nợ xấu cũng là câu hỏi lớn. Tài liệu đại hội đồng cổ đông năm 2015 của HDBank cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 1,32%, trong đó, HDBank riêng lẻ là 1,09%, HDSaison (công ty tài chính của HDBank) là 4,34%.

Dù vậy, nhà đầu tư cũng không khỏi nghi ngờ về con số trích lập dự phòng rủi ro, con số nợ xấu. Việc ngân hàng này “giấu nhẹm” phần thuyết minh báo cáo tài chính khiến nhà đầu tư không tiếp cận được con số nợ xấu thực tế là bao nhiêu, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tỷ lệ thế nào, bao nhiêu nợ xấu được bán cho VAMC, trích lập dự phòng từng nhóm nợ xấu thế nào…

Rõ ràng, câu chuyện minh bạch thông tin của HDBank vẫn còn hạn chế và việc HĐQT HDBank quanh co việc lên sàn cũng là một minh chứng nữa.

Tại đại hội đồng cổ đông của HDBank, nhiều cổ đông cũng đã chất vấn HĐQT về việc niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho rằng “khi nào diễn biến thị trường tốt hơn, cơ hội đến HDBank nhất định sẽ thực hiện”.

Câu trả lời chung chung này khiến không ít cổ đông thất vọng, bởi thực tế, nhiều cổ đông mong muốn ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán không phải vì giá cổ phiếu, mà là sự minh bạch.

Cổ tức cao sẽ đem lại niềm vui trước mắt cho cổ đông, nhưng sự minh bạch thông tin mới thật sự bền vững với cả ngân hàng và cổ đông. Vậy nên, cổ tức 10% bằng tiền mặt của HDBank chắc hẳn không đem lại niềm vui cho tất cả cổ đông.

Theo Trần Giang (Dân Việt)