Kinh tế

Đàm phán TPP chưa đạt thỏa thuận cuối cùng

Cuộc họp của bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) kéo dài hơn dự kiến và không thể kết thúc toàn bộ quá trình đàm phán như kỳ vọng.

Cuộc họp của bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) kéo dài hơn dự kiến và không thể kết thúc toàn bộ quá trình đàm phán như kỳ vọng.


Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại cuộc họp báo sáng 1/8.

Chủ trì buổi họp báo, Đại diện Thương mại Mỹ - Michael Froman tuyên bố sau một tuần đàm phán tích cực, 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã “đạt được những tiến triển đáng kể, nhưng vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng và hoàn chỉnh”. Dù vậy, ông cũng cho biết đang “tự tin hơn bao giờ hết rằng ký kết TPP là việc trong tầm tay”, và các nhà đàm phán cũng sẽ tiếp tục các cuộc nói chuyện để đạt mục tiêu này.

Cũng theo vị đại diện này, một danh sách dài các vấn đề được đặt lên bàn đàm phán và phần lớn đã đi đến thống nhất giữa các bên. Một bước tiến quan trọng trong ngày họp hôm qua là các bên đạt đồng ý về nguyên tắc các vấn đề liên quan tới bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Khi được hỏi thời gian dự kiến tổ chức phiên họp sắp tới và kỳ vọng của các nước, ông Froman cho biết sẽ tiếp tục đàm phán, kể cả song phương, về các vấn đề còn bế tắc. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa sắp xếp thời gian cụ thể.

Một số vấn đề chưa được giải quyết là mở cửa thị trường sữa tại Canada, đường tại Mỹ và gạo tại Nhật Bản. Yêu cầu của New Zealand về vấn đề các sản phẩm từ sữa được đánh giá là rất thách thức. Dù vậy, khi được hỏi liệu có tiếp tục đàm phán TPP hay cân nhắc rời bàn đàm phán, Bộ trưởng Thương mại New Zealand - Tim Groser vẫn cho biết: “Chúng tôi sẽ không bị đẩy ra khỏi thỏa thuận này, khi mà các nước đã đồng ý tự do hóa thị trường và cũng như có những nhượng bộ đáng kể".

Đại diện thương mại 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Hawaii. Bộ trưởng Công Thương Việt Nam - Vũ Huy Hoàng đứng ngoài cùng, bên trái. Ảnh: Nikkei

Các cuộc đàm phán giữa 12 nước tham gia TPP diễn ra nhiều năm qua và từng được kỳ vọng sẽ kết thúc ngay tuần này. TPP nếu được thông qua sẽ có tầm ảnh hưởng tới 40% kinh tế toàn cầu. Nhạy cảm và khó đạt thỏa thuận nhất là những vấn đề như làm thế nào để các nước có thể xuất khẩu nhiều gạo hơn vào Nhật Bản, xuất khẩu nhiều đường hơn vào Mỹ, tham gia sâu rộng hơn vào thị trường sữa Canada, và mở rộng bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm.

Nếu như các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế để giúp hàng hóa thâm nhập thị trường các nước với giá rẻ hơn, thì TPP quan tâm nhiều hơn và mong muốn thiết lập nguyên tắc giúp các nhà kinh doanh buôn bán hàng hóa và dịch vụ dễ dàng hơn.

Vòng đàm phán này được coi là cơ hội cuối cùng để các bên tiến tới thỏa thuận. Nếu bỏ lỡ, các nước có thể phải chờ đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2017 mới có thể ký được TPP.

Trước đó, vòng đàm phán giữa các bộ trưởng được kỳ vọng rất cao, khi đại điện các nước đều tỏ ra lạc quan. Mỹ và Nhật Bản - đã gần như giải quyết được các vấn đề lâu nay về nông sản và ôtô. Quốc hội Mỹ tháng trước cũng chính thức thông qua Quyền đàm phán nhanh (TPA). Việc này sẽ giúp Tổng thống Mỹ - Barrack Obama xúc tiến đàm phán với 11 quốc gia còn lại trong TPP.

Tuy vậy, trong quá trình đàm phán, mỗi quốc gia đều đưa ra những điều kiện riêng để xem xét có nhượng bộ hay không. Theo tin từ Nikkei, đến chiều 31/7 (theo giờ Việt Nam), Malaysia và Việt Nam vẫn chưa nhất trí với các nước còn lại về việc mở cửa cho nhà thầu nước ngoài cung cấp sản phẩm cho Chính phủ, đưa doanh nghiệp nhà nước vào khu vực tư nhân và áp dụng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngặt nghèo trong lĩnh vực dược phẩm.

Trao đổi cùng ngày với PV, Thứ trưởng Công Thương - Cao Quốc Hưng cũng xác nhận một số thoả thuận về vấn đề lao động cũng chưa được thông suốt, song Việt Nam và các nước vẫn đang tiếp tục đàm phán để tìm được tiếng nói chung.

Theo tin sáng sớm nay của The Sydney Morning Herald, dấu hiệu khó khăn xuất hiện vào cuối phiên đàm phán và nhiều khả năng kỳ họp kết thúc mà các bên không đạt được thỏa thuận nào. Bất đồng về lĩnh vực ôtô và sữa vẫn chưa thể được giải quyết. Tuy nhiên một nguồn tin cho hay hầu hết các vấn đề quan trọng như bảo hộ sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước đã được các bên thống nhất, vì vậy các nhà đàm phán sẽ không mất thêm nhiều thời gian để kết thúc phần việc còn lại.

TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các vấn đề được nêu ra trong hiệp định gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và được dự báo bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

>> Lợi ích và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP

Theo Hà Thu - Chí Hiếu (VnExpress.net)