Kinh tế

Đại gia ngân hàng Việt đang 'ôm' khối tài sản đảm cực khủng của những 'trùm' BĐS nào?

Tính đến cuối tháng 6/2018, khối tài sản đang được cầm cố tại Vietinbank có giá trị lên tới hơn 1,74 triệu tỷ đồng, trong đó có 961.000 tỷ đồng đến từ bất động sản, chiếm hơn 55% giá trị tài sản đảm bảo, đồng thời cũng cao hơn nhiều so với dư nợ cho vay hiện nay.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank (Mã CK: CTG) đã công bố BCTC bán niên 2018 sau soát xét với kết quả lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 5.265 tỷ đồng và 4.252 tỷ đồng, tăng tương ứng 9,3% và 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Đại gia ngân hàng Việt đang 'ôm' khối tài sản đảm cực khủng của những 'trùm' BĐS nào?

Tính đến ngày 30/6/2018, Vietinbank có tổng tài sản là 1.140.117 tỷ đồng tăng hơn 4% so với đầu năm, trong đó, huy động tiền gửi khách hàng tăng trưởng 13,2% lên mức 852.447 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 867.566 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm.

Tuy nhiên, tại BCTC này, Vietinbank không đưa ra phần thuyết minh về phân loại dư nợ cho vay theo ngành nghề như trước mà chỉ phân tích dư nợ theo thời gian và phân tích chất lượng dư nợ cho vay.

Theo đó, trong kỳ vừa rồi, Vietinbank đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). 

Tuy nhiên, về chất lượng cho vay, hiện tổng nợ xấu của Vietinbank đã tăng hơn 2.200 tỷ so với đầu năm lên mức 11.227 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng 0,15% lên mức 1,29%. Đáng chú ý nợ có khả năng mất vốn đã tăng 59,1% so với đầu năm lên 8.302 tỷ đồng, chiếm 74% tổng nợ xấu của Vietinbank.

Một vấn đề khác liên quan đến hoạt động cho vay của nhà băng này, đó là mặc dù không phải ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất hệ thống, nhưng hiện nay, Vietinbank đang sở hữu khối tài sản đảm bảo cho các khoản vay có giá trị lớn nhất.

Theo thuyết minh BCTC, khối tài sản đang được cầm cố tại nhà băng này tính đến cuối tháng 6/2018 có giá trị lên tới hơn 1,74 triệu tỷ đồng, gấp đôi số dư nợ cho vay. Trong đó, có 961.092 tỷ đồng đến từ bất động sản, chiếm hơn 55% giá trị tài sản đảm bảo, đồng thời cao hơn nhiều so với dư nợ cho vay hiện nay.

Đại gia ngân hàng Việt đang 'ôm' khối tài sản đảm cực khủng của những 'trùm' BĐS nào? - 1
 Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên 2018 Vietinbank

Được biết, hiện Vietinbank đang là chủ nợ của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước, có thể kể đến như Novaland, Hòa Bình, FLC, Nhà Khang Điền … với giá trị khoản vay không hề nhỏ. Và để vay được, buộc các doanh nghiệp này phải mang những tài sản của doanh nghiệp này thế chấp cho Vietinbank.

Cụ thể, BCTC của CTCP Tập đoàn  Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland cho thấy, hiện doanh nghiệp này đang có khoản vay 1.842,4 tỷ đồng tại Vietinbank. Trong đó, khoản vay bằng tiền mặt có giá trị 1.196,4 tỷ đồng (bao gồm: 120 tỷ đồng ngắn hạn và 1.076,4 tỷ đồng dài hạn) được Novaland vay từ Vietinbank theo Hợp đồng tín dụng hạn mức 3.400 tỷ đồng, có thời hạn 48 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên là ngày 3/8/2016. Khoản vay này chịu lãi suất hàng năm bằng lãi suất cơ sở cộng biên độ 4%/năm, đồng thời được đảm bảo bằng tổng giá trị tài sản hình thành trong tương lai của Dự án Bình Khánh cho Novaland là chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, Novaland hiện cũng phát hành trái phiếu cho Vietinbank có giá trị là 646 tỷ đồng (350 ngắn hạn và 296 tỷ đồng dài hạn). Gói trái phiếu có tổng mệnh giá 736 tỷ đồng, ngày đáo hạn cuối cùng vào 8/2020, chịu lãi suất 10%/năm cho 3 tháng đầu. Các kỳ tính lãi tiếp theo áp dụng lãi suất thả nổi. 

Tại ngày 30/6/2018, Công ty đã mua lại tổng cộng 90 tỷ đồng phần mệnh giá trái phiếu. Tài sản đảm bảo gồm cổ phần của công ty mẹ sở hữu bởi các cổ đông, các khoản phải thu liên quan đến một dự án của công ty mẹ, một phần vốn góp của công ty mẹ tại công ty chủ đầu tư.

Tiếp đến là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hiện đang có khoản vay 1.646,3 tỷ đồng tại Vietinbank. Trong đó, khoản vay ngắn hạn 1.488,7 tỷ đồng có mức lãi suất cơ bản cộng 3,5%/năm, ngày đáo hạn tính từ ngày 31/7/2018 đến ngày 17/12/2018. Toàn bộ khoản vay này được Hòa Bình đảm bảo bằng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.

Còn khoản vay dài hạn 157,6 tỷ đồng được Hòa Bình vay tại Ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh 1 thông qua 11 khoản vay khác nhau. Các khoản vay này đều có mức lãi suất cơ bản cộng 3%/năm và sẽ đáo hạn sớm nhất kể từ ngày 22/7/2021. Hòa Bình đã sử dụng máy móc thiết bị của Công ty làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay này.

Trong khi đó, hiện nay CTCP Tập đoàn FLC đang vay Vietinbank khoản tiền 834 tỷ đồng, bao gồm: 157,4 tỷ đồng vay ngắn hạn và 676,7 tỷ đồng vay dài hạn. Trong đó, khoản vay ngắn hạn 157, 2 tỷ đồng và khoản vay dài hạn 676,6 tỷ đồng được FLC vay tại Ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh Thanh Hóa thông qua 3 Hợp đồng tín dụng. Cụ thể:

Hợp đồng tín dụng ngày 21/3/2015 (sửa đổi, bổ sung ngày 27/12/2016) có hạn mức là 1.179 tỷ đồng (kỳ hạn 72 tháng, ân hạn 18 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, lãi suất cho kỳ đầu tiên là 11%/năm, các kỳ sau sẽ tính trên lãi suất cơ sở động 5%/năm) và hợp đồng tín dụng ngày 23/6/2017 có hạn mức 450 tỷ đồng (kỳ hạn 42 tháng, ân hạn 6 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, lãi suất cho kỳ đầu tiên là 10,5%/năm, các kỳ sau đó sẽ tính trên lãi suất cơ sở công 4%/năm). Khoản vay Mục đích bay của hai Hợp đồng này là để thanh toán các chi phí đầu tư hợp pháp của dự án FLC Samson Goldlinks và được FLC đảm bảo bằng toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có của các dự án.

Còn lại là Hợp đồng tín dụng ngày 18/8/2016 (sửa đổi, bổ sung ngày 01/03/2017) có hạn mức 100 tỷ đồng, kỳ hạn 84 tháng, lãi suất được quy định trong khế ước. Mục đích của khoản vay này là để thanh toán các chi phí đầu tư hợp pháp của dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn và được đảm bảo theo các Hợp đồng bảo đảm…

Một trong những con nợ của Vietinbank đó là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền, với tổng dư nợ tính đến ngày 30/6/2018 là 531 tỷ đồng (bao gồm: 247,5 tỷ đồng ngắn hạn và 283,5 tỷ đồng dài hạn). Trong đó, tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh, hiện Công ty này đang có khoản vay 1 với giá trị 100,9 tỷ đồng (kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 9,5%/năm) được sử dụng để tài trợ dự án Saphire Phú Hữu. Tài sản đảm bảo khoản vay này là quyền sử dụng 24.120 m2 đất thuộc dự án Saphire Phú Hữu. 

Còn khoản vay thứ 2 có giá trị 43,7 tỷ đồng (kỳ hạn 42 tháng, lãi suất 9,5%/năm), có mục đích tài trợ dự án Khu tái định cư Phong Phú 4, đồng thời được Nhà Khang Điền đảm bảo bằng quyền sử dụng 140.319 m2 đất và tài sản hình thành từ dự án Khu Tái định cư Phong Phú 4.

Bên cạnh đó, Nhà Khang Điền đang có khoản vay 102,9 tỷ đồng tại Vietinbank – Chi nhánh Hà Nội (kỳ hạn 34 tháng, lãi suất 9,5%/năm) để tài trợ dự án Kim Phát – Phú Hữu. Khoản vay này được Công ty đảm bảo bằng toàn bộ các quyền tài sản phát sinh từ dự án Kim Phát – Phú Hữu.

Về vay dài hạn, hiện Nhà Khang Điền đang có 3 khoản vay tại Vietinbank – Chi nhánh 1. Cụ thể: khoản vay 169,6 tỷ đồng (kỳ hạn 47 tháng, lãi suất 9,5%/năm) tài trợ dự án Khu dân cư Bình Trưng – Bình Trưng Đông được đảm bảo bằng quyền sử dụng 51.672 m2 đất và tài sản gắn liền thuộc dự án Khu dân cư Bình Trưng – Bình Trưng Đông.

Thứ hai là khoản vay 80,9 tỷ đồng (kỳ hạn 45 tháng, lãi suất 9%/năm) dùng để tài trợ dự án Thành Phúc – Phú Hữu, được đảm bảo bằng toàn bộ các quyền tài sản phát sinh từ dự án Thành Phúc- Phú Hữu quy mô 44.725m2. Cuối cùng là khoản vay 32,8 tỷ đồng ( kỳ hạn 45 tháng, lãi suất 9%/năm) có mục đích tài trợ dự án Thành Phúc – Jamila, được đảm bảo bằng quyền sử dụng thửa đất số 248 đến 253 và tài sản gắn liền thuộc dự án Thành Phúc – Jamila.

Những vụ thanh lý tài sản đảm bảo nổi bật:

Trong vài năm gần đây, để xử lý nợ xấu, nhiều Ngân hàng đã ráo riết thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo.

Thứ nhất: Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã thu giữ dự án cao ốc Saigon One Tower để xử lý và thu hồi khoản nợ trên 7.000 tỷ mà khách hàng không có phương án trả nợ khả thi. Khoản nợ trên được VAMC ký hợp đồng mua lại từ Maritime Bank và Ngân hàng Đông Á từ năm 2015.

Thứ hai: Tháng 10/2017, VAMC và VPBank đã ủy thác cho VPBank AMC – công ty quản lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản thế chấp của hàng loạt khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng tại Hà Nội. Tài sản thu giữ bao gồm quyền sử dụng nhiều lô đất tại quận Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh, chung cư tại quận Ba Đình…

Thứ ba: Đầu tháng 11/2017, do đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà không thực hiện được/đúng nghĩa vụ trả nợ theo cam kết, vi phạm nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng nên Agribank đã tiến hành thu giữ tài sản của CTCP Khoáng sản miền Trung là tài sản đảm bảo của 2 hợp đồng thế chấp trước đó. Cụ thể, số nợ xấu mà Khoáng sản Miền Trung để lại tại Agribank lên tới 230 tỷ đồng, cả gốc lẫn lãi. Đồng thời, Agribank cũng thu giữ các tài sản gắn với lô đất tại Cụm Công nghiệp Hoài Đức (Bình Định) đã thế chấp mà Khoáng sản miền Trung tự ý đầu tư, xây dựng thêm sau thời điểm ký kết hợp đồng.

Thứ tư: Đầu năm năm nay, Sacombank thông báo đã bán đấu giá thành công và ký hợp đồng với các đối tác trong việc chuyển nhượng 3 tài sản bất động sản lớn tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An, tổng giá trị hợp đồng là 9.200 tỷ. Đây là một trong những trường hợp thành công tiêu biểu trong xử lý tài sản bảo đảm kể từ khi có Nghị quyết 42…

Theo Ánh Phượng (sohuutritue.net.vn)