Kinh tế

Đại gia Hà Nội: Nợ mấy trăm tỷ là thường

Trong danh sách 23 doanh nghiệp nợ hơn 1.200 tỷ đồng tiền thuế tại Hà Nội, có không ít những cái tên đình đám nổi tiếng.

Trong danh sách 23 doanh nghiệp nợ hơn 1.200 tỷ đồng tiền thuế tại Hà Nội, có không ít những cái tên đình đám nổi tiếng.
23 doanh nghiệp nợ hơn 1.234 tỷ đồng tiền thuế

Cục Thuế Hà Nội vừa công bố danh sách đợt 1 bao gồm 23 doanh nghiệp nợ thuế lớn và 15 dự án bất động sản nợ tiền sử dụng đất tính đến ngày 31/5/2015.

Theo công bố, có 23 doanh nghiệp nợ số tiền thuế lên tới 1.234 tỷ đồng, trong số đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Danh sách còn bao gồm các tên tuổi như: Công ty Sông Đà Thăng Long cũng là đơn vị nợ tiền thuế lớn nhất trong danh sách công bố với số tiền lên tới 375,2 tỷ đồng. Công ty Viglacera Hà Nội đứng thứ 2 với 88 tỷ đồng, tiếp đó là Công ty Cavico Xây dựng Cầu hầm 80,5 tỷ đồng.

Sông Đà 9.06 (nợ 68 tỷ đồng); Công ty Tập đoàn Điện tử Công nghiệp VN (nợ 65,4 tỷ đồng); COMA 18 (nợ 36,4 tỷ đồng); Đường bộ 230 - Cienco 1 (nợ 12,55 tỷ đồng) cùng một số công ty con khác của Viglacer và Cavico với số thuế nợ từ 9,8-50 tỷ đồng…
 

Nghị trường buổi họp 6/7, kỳ họp thứ 13 HĐND Hà Nội.


15 dự án nợ tiền sử dụng thuế

Về danh sách 15 dự án nợ tiền sử dụng đất, số tiền tổng cộng lên tới 1.200 tỷ đồng tính đến ngày 30/6.

Bao gồm các dự án như: Khu nhà ở quận Hoàng Mai tại thôn đồng, Thanh Trì, Hà Nội nợ tới hơn 322 tỷ đồng tiền sử dụng đất; dự án trung tâm thương mại nhà ở C1 khu đô thị mới Trung Hoà Nhân Chính nợ gần 116 tỷ đồng; dự án toà nhà hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng Thành An nợ 143 tỷ đồng…

Dự án Toà nhà dịch vụ văn phòng và căn hộ cho thuê 155-161 Mai Hắc Đế; Khu chung cư Phương Đông 62 Nguyễn Huy Tưởng; Xự án khu nhà ở thấp tầng 49 Trung Kính; Hà Nội Pragon; khu nhà ở cao tầng để bán Nguyễn Văn Cừ…

Nợ thuế gia tăng liên tục
 
Giải trình tại buổi họp chiều 6/7, kỳ họp thứ 13 khóa XIV của HĐND Hà Nội, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội - Hà Minh Hải cho biết: Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt tăng trưởng so với cùng kỳ trên 13%. Tuy nhiên, vấn đề nợ thuế vẫn là 1 vấn đề khó khăn.

Theo người đứng đầu ngành thuế thủ đô, trải qua rất nhiều giai đoạn, đặc biệt từ 2008 đến nay, tức sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế giữa tháng 9/2008, thời kỳ đóng băng của khối kinh doanh bất động sản 2011-2013, số nợ thuế tăng rất lớn.

Năm 2009 nợ thuế trên 4.000 tỷ, đến năm 2013 là 13.000 tỷ và đến 31/12/2014, số nợ thuế là gần 22.000 tỷ.

Hiện nay, tổng số nợ thuế trên địa bàn đến 30/4/2015, mà đơn vị báo cáo Ban Kinh tế Ngân sách còn số liệu chưa chính xác nên yêu cầu cán bộ rà soát từng đơn vị, đặc biệt đơn vị lớn, tổng số nợ đến thời điểm 30/4 là 23.020 tỷ, tăng 4,7% so với năm 2014.

Kết quả sau 6 tháng đã thu được 6.385 tỷ, về số nợ thuế 23.000, trong đó nợ thuế phí là 9.600 tỷ, tiền phạt chậm nộp là 5.900 tỷ, đây là số tăng rất cao, tăng 13,6% so với năm 2014.

Nợ các khoản liên quan đến đất là 7.423 tỷ. Về nợ thuế phí 9.600 tỷ, trong đó nợ khó thu là tăng 40%, đây cũng là những đơn vị khó khăn, bỏ địa chỉ kinh doanh, nợ chờ xử lý giảm 33,5 và nợ chờ điều chỉnh tăng hơn 10 lần… Nợ có khả năng thu là 7.127 tỷ, giảm 2% so với năm 2014.

Chỉ tính riêng nợ thuế của các khối hoặc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã chiếm trên 40%, những đơn vị này qua nhiều thời kỳ từ 2012-2013, tổng số tiền nợ của đơn vị này là rất lớn, kéo dài qua nhiều năm không trả được nợ.

Cục Thuế Hà Nội đã báo cáo và công khai các đơn vị nợ thuế, phí. Ví dụ DN Sông Đà Thăng Long với số tiền nợ thuế lớn trên 300 tỷ gần như không có khả năng chi trả.

Cục Thuế đã thực hiện tốt các biện pháp tháo gỡ khó khăn, kiến nghị các cấp có thẩm quyền có chính sách tăng thu nhập để có nguồn nộp tiền, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để cả hệ thống chính trị để vào cuộc đôn đốc nợ.

Lãnh đạo chính quyền trực tiếp làm việc với các chủ nợ lớn để đôn đốc, động viên, hiệu quả hơn công tác cưỡng chế. Hầu hết các trường hợp lên động viên, thuyết phục đều nộp.

Hiện nay có trên 90% nợ trên 90 ngày, số này rất khó thu, còn những trường hợp phát sinh mới thì hầu hết là động viên, theo dõi sát thì họ đều nộp đúng.

Sẽ cưỡng chế, kiến nghị vào tội hình sự

Về giải pháp cụ thể cho 6 tháng cuối năm, Cục thuế xác định nhiệm vụ đầu tiên là tháo gỡ khó khăn, kiến nghị có nguồn vốn cho doanh nghiệp hoạt động đồng thời có nguồn tiền thuế. Kiến nghị xóa tiền chậm nộp của đơn vị có khó khăn khách quan.

Nhiều đơn vị nộp hết nợ rồi nhưng do điều kiện khách quan thì vẫn bị tính tiền chậm nộp và số tiền này rất lớn. Kiến nghị xóa nợ với doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc. Kiến nghị cho phép các trường hợp có khó khăn chia đều ra 12 tháng và nộp dần, đến thời điểm nộp mà đơn vị không nộp thì tiến hành cưỡng chế.

Còn nếu tất cả các trường hợp đều tiến hành cưỡng chế khi 1 số doanh nghiệp thực sự khó khăn thì sẽ làm khó doanh nghiệp.

Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho hay: Hiện nay, có 1 số trường hợp cố tình chây ỳ, nợ thuế xong bỏ địa chỉ kinh doanh, cái này là có ý đồ chiếm đoạt, do đó kiến nghị quốc hội bổ sung tội danh này vào tội hình sự bởi đến nay tội nợ thuế chưa có nên chưa tạo tính răn đe.

Trước tình trạng này Cục Thuế Hà Nội đã báo cáo Bộ, Tổng Cục Thuế để tiếp tục kiến nghị, tạo chế tài xử phạt, tăng tính răn đe. Đồng thời sẽ công khai mọi tổ chức cá nhân nợ lớn, dây dưa kéo dài, đặc biệt những trường hợp đã gia hạn nhưng vẫn không nộp đúng hạn mà cố tình chây ỳ.
 
Theo Nhất Nam (Nguoiduatin.vn)