Kinh tế

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm giải ngân tuyến Metro Sài Gòn

TP HCM đang phải tạm ứng vốn và khi thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán thì Bộ Tài chính sẽ trả vốn đối ứng cho thành phố.

Trong phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ - Hậu Giang tranh luận về an toàn nợ công khi cho rằng dù Bộ trưởng Tài chính trả lời nhưng "vẫn chưa rõ". Nguyên nhân chưa đề cập tới là do phân bổ vốn, giải ngân chậm một số dự án trọng điểm, đơn cử tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Bà Thuỷ đề nghị giải trình, làm rõ thêm. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nguyên nhân là do thiếu dự toán bố trí vốn nước ngoài hiện đang thấp. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo Quốc hội xin điều chỉnh bố trí vốn nước ngoài cho TP HCM để giải ngân cho dự án này, vượt dự toán nhưng đúng theo cam kết tiến độ.

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm giải ngân tuyến Metro Sài Gòn
Bộ Tài chính thừa nhận chậm giải ngân vốn cho Metro Sài Gòn. Ảnh: Duy Trần. 

Theo ông Dũng, TP HCM đã tạm ứng vốn 1.200 tỷ để trả nợ khối lượng hoàn thành dự án, khi thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán thì Bộ Tài chính sẽ làm việc với nhà tài trợ để trả vốn đối ứng cho thành phố.

Giữa tháng 10 vừa qua, Ban quản lý đường sắt đô thị tiếp tục gửi văn bản "khẩn" đề nghị UBND TP HCM tạm ứng 1.173 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để thanh toán cho nhà thầu thi công tuyến metro số 1. Đây có thể là lần thứ ba TP HCM phải tạm ứng ngân sách để trả nợ nhà thầu tuyến metro số 1 do Trung ương chậm rót vốn.

Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, năm ngoái thành phố đã tạm ứng 600 tỷ đồng để trả nợ. Sau đó, phần giải ngân vốn ODA cho metro số 1 tiếp tục bị đóng băng trong một thời gian dài. Hồi tháng 8, lần thứ hai thành phố tạm ứng 500 tỷ đồng.

"Đây là nỗ lực rất lớn của thành phố, song giải pháp này không phải là bài toán căn cơ lâu dài vì việc tạm ứng rồi thu hồi cũng có nhiều thủ tục, khó khăn", ông nói.

Theo ông Quang, tiền thành phố ứng ra chưa đáp ứng được nhu cầu vì mỗi tháng giá trị nhà thầu thực hiện dự án khoảng 500 - 600 tỷ đồng, thanh toán xong đợt này thì phải có nguồn để trả những tháng sau. "Trong khi đó tiền Trung ương giải ngân 'vừa về là hết', không đủ để giải quyết khó khăn trước mắt. Các nhà thầu Nhật đã bày tỏ thái độ gay gắt, yêu cầu thành phố thanh toán đúng tiến độ", ông Quang chia sẻ.

Việc metro Sài Gòn bị thiếu vốn liên tục được nhắc trong các cuộc họp của UBND TP HCM. Tình trạng "giật gấu vá vai" của dự án tỷ USD này được thành phố gửi hàng loạt văn bản gửi lên các bộ, ngành nhưng không có chuyển biến.

Số liệu của Ban quản lý đường sắt đô thị cho thấy, hiện vốn ODA cho metro số 1 chỉ đáp ứng 36% nhu cầu dự án. Năm nay cần khoảng 5.400 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được hơn 2.100 tỷ. Trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 Trung ương phải giải ngân gần 21.000 tỷ đồng, song thành phố mới nhận được 7.500 tỷ - tức còn thiếu hơn 13.400 tỷ.

Dù cuối tháng 8 Thủ tướng đã ban hành quyết định về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2017 (đợt 3) nhưng TP HCM vẫn chưa được nhận. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư và tạm ứng nguồn vốn ODA cho dự án cũng chưa chuyển biến. Nguyên nhân bắt nguồn từ điểm nghẽn về chậm giải ngân vốn đầu tư công. 

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).

Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.

Theo Thanh Lê (VnExpress.net)