Kinh tế

Đà Nẵng: Giật mình khi đền bù mỗi m2 đất vàng bằng... ký cá nục

Trong khi giá đất thị trường ở cùng vị trí lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi m2 thì chính quyền Đà Nẵng lại áp giá đền bù lấy đất của dân với giá chỉ tương đương một ký cá nục.

Nhận được đơn kêu cứu cùng tập hồ sơ dày cộp, PV đã vào cuộc tìm hiểu chuyện tưởng như đùa về việc UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã ra quyết định thu hồi hơn 1.200m2 đất ở mặt đường Lê Hữu Trác và áp giá đền bù cho gia đình ông với mỗi m2 đất chỉ tương đương với một ký cá nục. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Côi (61 tuổi, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), có đất nằm trên đường Lê Hữu Trác, con đường nằm trong khu vực du lịch biển phát triển nhanh nhất nhì TP.Đà Nẵng với trị giá mỗi m2 đất ở đây lên đến cả trăm triệu đồng.

Đền bù thấp hơn giá thị trường gần... 1.000 lần

Ngôi nhà cũ kỹ trong mảnh vườn hiếm hoi còn sót lại của cơn lốc quy hoạch đô thị quận Sơn Trà, bên cạnh những ngôi nhà cao tầng và tiếng khoan đục liên hội của các khách sạn, ông Nguyễn Văn Côi Ngồi lần giở tập tài liệu dày cộp, kể lại hành trình mỏi mòn tìm công bằng cho mảnh đất cha ông để lại.

“Gần 20 năm nay tôi xin chính quyền chuyển quyền sử dụng đất để xây dựng cái nhà kiên cố cho gia đình sinh sống mà có được đâu. Tôi cũng không hiểu lẽ vì sao những nhà bên cạnh đều đã được xây dựng hết cả rồi còn riêng tôi thiếu sót thứ gì nữa. Anh thấy đấy, cả khu vực đã xây nhà cao tầng, khách sạn... chỉ mỗi nhà tôi đang hoang vu thế này” - ông Côi trình bày

Để chứng minh cho mình, ông Côi giỡ xấp tài liệu với đủ loại giấy tờ khẳng định nguồn gốc lô đất hơn 2.068m2 là do gia đình ông quản lý sử dụng hơn 55 năm nay. Trong đó, có giấy Chứng thư kiến điền của chính quyền cấp năm 1963, biên lai thu phí đất phi nông nghiệp do gia đình ông đóng đều đặn từ năm 1999 đến nay...

Cụ thể: Từ năm 1999 gia đình ông đều đóng thuế nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật. Năm 2003, ông có xin phép để cải tạo đất và đã được UBND phường Phước Mỹ xác nhận và đăng ký hộ kinh doanh cà phê giải khát, mua bán hoa và cây cảnh, nộp thuế môn bài hàng năm.

Theo ông Côi, toàn bộ diện tích đất của gia đình ông hoàn toàn đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều lần gia đình ông đề nghị được cấp giấy chứng nhận thì không được. Nay chính quyền áp giá đền bù để thu hồi diện tích 1.212m2 của gia đình ông đang sử dụng là đất trồng cây lâu năm là không thỏa đáng, không đúng quy định.

Đà Nẵng: Giật mình khi đền bù mỗi m2 đất vàng bằng... ký cá nục
Sát vách mảnh đất của ông Nguyễn Văn Côi, hàng xóm đều đã xây nhà kiên cố, cao tầng. Ảnh: Đình Thiên

Theo bảng tính giá trị đền bù ngày 29.11.2018 của Ban GPMB quận Sơn Trà, 1.212m2 đất của gia đinh ông Côi được xác định là “đất trồng cây hàng năm phường, xã – đồng bằng HĐ 1” được áp với giá 70.000 đồng/m2, tương đương hơn 84 triệu đồng. Ngoài ra, nhà cửa được áp giá hơn 12 triệu đồng, vật kiến trúc hơn 52 triệu đồng, cây cối hoa màu hơn 28 triệu đồng. Theo dự thảo ngày 12.12.2018, về phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với gia đình ông Côi không đủ điều kiện bố trí đất tái định cư.

Trong khi đó, vào năm 2015, UBND quận Sơn Trà trong thông báo thu hồi 1.824m2 đất của gia đình ông làm dự án lại cho biết sẽ bố trí tái định cư trên địa bàn quận Sơn Trà. Quyết định 175 ngày 15.1.2019 ký kèm bảng áp giá đền bù nói trên được phê duyệt, ông Côi đã có văn bản trả lời không đồng ý với mức giá này do không thỏa đáng. Liền sau đó, ngày 13.2.2019, Ban GPMB quận lại có thông báo giải quyết hỗ trợ đối với gia đình ông số tiền 18,7 triệu đồng (hỗ trợ trượt giá).

“Từ năm 1980, cá nhân tôi đã cải tạo để thay đổi mục đích sử dụng và làm nhà ở ổn định từ đó đến nay. Gần 20 năm tôi đều đóng thuế đất theo quy định của pháp luật. Theo tìm hiểu của tôi và nhìn từ thực tế những nhà bên cạnh thì mảnh đất của tôi đủ điều kiện để chuyển quyền sử dụng đất sang đất ở. Mặc dù vậy, nhiều lần đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đều bị chính quyền từ chối. Lần cuối cùng họ từ chối là năm 2018, họ nói đất này nằm trong quy hoạch ”, ông Côi nói.

Vào năm 2018, UBND quận Sơn Trà đã có quyết định thu hồi hơn 1.200 m2 đất của gia đình ông Côi và đưa ra bảng tính giá trị đền bù với đơn giá chỉ 70 ngàn đồng/m2 đất, với tổng số tiền 84 triệu đồng. Tuy nhiên, với phương án giải tỏa đền bù và bảng giá đền bù của UBND quận Sơn Trà thấp hơn giá thị trường cả ngàn lần nên ông Côi không đồng ý và gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng.

“Đất tôi đang ở mà UBND quận Sơn Trà áp giá đất trồng cây hàng năm là không thỏa đáng, không đúng quy định. Tôi gửi đơn khiếu nại tới Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Nội chính, UBND quận…thì đến ngày 2.4 vừa qua Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã ký quyết định và hỗ trợ thêm 30% giá đất ở cùng vị trí với số tiền gần 384 triệu đồng…Tiền hỗ trợ cao hơn tiền đền bù đất tôi không thấy vui mà thấy thêm sự vô lý”, ông Côi bức xúc nói.

Ngay trong khi PV Dân Việt đang tiếp xúc với ông Côi, một cán bộ thuộc Ban giải phóng mặt bằng quận Sơn Trà xuống nhà, cấp cho ông Côi thông báo kết quả giải quyết kiến nghị, trong đó hỗ trợ thêm tiền hoa màu 39,2 triệu; hỗ trợ thêm tiền đất là 383,9 triệu.

Đà Nẵng: Giật mình khi đền bù mỗi m2 đất vàng bằng... ký cá nục - 1
Trong khi PV đang tiếp xúc với ông Côi, cán bộ đưa thông báo hỗ trợ xuống cho ông ký nhận (ảnh: Nam Cường)

"Tôi muốn mọi chuyện rõ ràng và công bằng chứ không phải kiện tụng để hưởng mấy đồng hỗ trợ như kiểu bố thí của chính quyền. Vì sao đất bao nhiêu năm nay mà gia đình tôi không thể làm sổ đỏ. Số tiền đền bù lại rẻ mạt, trong khi những nhà bên cạnh, chỉ giải tỏa 100m2 lại được cấp ngay 1 lô đất đường Hồ Nghinh, trị giá thương mại những hơn 150 triệu/m2"? - ông Côi day dứt hỏi.

Sẽ thanh kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ

Để tìm hiểu sự việc của ông Nguyễn Văn Côi phản ánh, PV Dân Việt đã làm việc bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, bà Tâm cho rằng, theo nguồn gốc đất mà phường xác nhận thì đất của gia đình ông Nguyễn Văn Côi là đất nông nghiệp được quản lý sử dụng từ trước năm 1963. Vì đây là đất nông nghiệp nên phải đền bù theo giá đất nông nghiệp.

“Quận đã đền bù 100% giá đất trồng cây hàng năm và 80% nhà tạm, vật kiến trúc, cây hoa màu. Ngoài ra, trường hợp này UBND thành phố còn được hỗ trợ thêm 30% đất ở xen lẫn trong khu dân cư. Việc hỗ trợ này là do chính quyền vận dụng để người dân được hỗ trợ thêm vì đền bù đất nông nghiệp của dân với giá thấp”, bà Tâm nói.

Đà Nẵng: Giật mình khi đền bù mỗi m2 đất vàng bằng... ký cá nục - 2
Bà Trần Thị Thanh Tâm trao quyết định thành lập Ban Giải phóng mặt bằng quận Sơn Trà. Ảnh: KT

Chủ tịch UBND quận Sơn Trà còn nói rằng, việc đền bù đất của ông Côi thấp hơn cả ngàn lần so với giá trị trường cốt lõi vẫn là do nguồn gốc đất.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Thanh Tâm cũng cho biết, đây là những thông tin ban đầu bà nắm được và trả lời sơ bộ với phóng viên. Còn cụ thể mọi việc sẽ được kiểm tra lại và thông tin cụ thể hơn.

“Nếu là đất nông nghiệp thì áp giá đền bù 70 ngàn đồng là đúng. Tuy nhiên, hiện quận đang giải quyết đơn khiếu nại của ông Côi và thanh tra cũng chưa báo cáo lại cụ thể sự việc. Khi thanh tra, sẽ cho kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ khiếu nại, có kết quả tôi sẽ làm việc cụ thể với người dân và thông tin lại”, bà Tâm nói.

Còn rất nhiều những điều khó hiểu, khuất tất trong các quyết định về thu hồi đất, vẽ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch KDC Bàu Gia Phước mà với những văn bản thể hiện, có thể nói, những kêu cứu của ông Nguyễn Văn Côi không phải là vô lý.

Theo Đình Thiên - Nam Cường (Dân Việt)