Kinh tế

Cuộc đua ví điện tử ngày càng hấp dẫn với người tiêu dùng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện có gần 30 doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép tại Việt Nam. Trong đó, trên 20 DN là ví điện tử còn lại là các dịch vụ khác như chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán... Trong thời gian tới cuộc cạnh tranh này càng gay gắt hơn khi có nhiều ông lớn nước ngoài đang có dự tính nhảy vào...

Cuộc đua ví điện tử ngày càng hấp dẫn với người tiêu dùng
Đối với người tiêu dùng, càng có nhiều lựa chọn với dịch vụ đa dạng, độ phủ rộng lớn và tiện lợi hơn họ càng ủng hộ.

Nhiều loại ví điện tử

Tại TP.HCM, không khó để tìm một ứng dụng ví điện tử trên smartphone của ai đó. Nhiều người còn xài đến 2, 3 ứng dụng để tiện lợi cho cả công việc lẫn sinh hoạt. Người viết bài hiện cũng thường xuyên xài ít nhất 2 ví điện tử, chủ yếu để thanh toán hóa đơn điện nước, điện thoại, mua hàng... Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại các thành phố lớn, việc sử dụng ví điện tử và các ứng dụng tương tự ngày càng nhiều và có nơi tăng theo cấp số nhân.

Ông Harry Loh, Giám đốc Điều hành UOB Việt Nam cho biết: “Tại các thành phố lớn như TP.HCM, có hơn bốn trên năm người sử dụng smartphone để thực hiện các công việc hàng ngày nhanh chóng và tiện lợi. Chúng tôi luôn muốn khai thác và tận dụng sự tân tiến của công nghệ để giúp cho các dịch vụ ngân hàng trở nên đơn giản hơn, an toàn hơn và thông minh hơn cho khách hàng, ngay từ những lần giao dịch đầu tiên”.

Với tỷ lệ dân số trẻ cao, xu hướng mua sắm trực tuyến cũng như muốn tận dụng công nghệ thanh toán hiện đại của khách hàng tại Việt Nam là một trong những lý do chính khiến các DN lao vào cuộc đua làm ví điện tử. Bên cạnh đó xu hướng của thế giới về ngân hàng số, khởi nghiệp tài chính hoặc tỷ lệ dân số chưa có tài khoản ngân hàng cao cùng thị trường đang có trên 60 triệu người trong độ tuổi lao động đang được xem là miếng bánh hấp dẫn cho công nghệ ví điện tử và các dịch vụ tương tự.

Giải thích lý do mình đang dùng đến 3 ví điện tử, chị Nguyễn Thanh Vy, một nhân viên văn phòng ở Q.1 TP.HCM cho biết: “Người tiêu dùng ngày càng có phong cách sống hiện đại với các dịch vụ kỹ thuật số. Ngoài những mạng xã hội miễn phí, tôi đã bắt đầu ưa thích sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số cho nhu cầu hàng ngày của cuộc sống, từ đi xe tới mua đồ ăn, cùng với việc thanh toán phi tiền mặt an toàn và thuận tiện. Làm gì chỉ cần có cái điện thoại là xong nên rất tiện”.

Hiện nay nhiều ví điện tử và các dịch vụ thanh toán khá phổ biến như MoMo, Bankplus, Ví Việt, VTC Pay, WePay, Mobivi, Vimo, Zalo Pay… với lượng khách hàng ước tính khoảng 15 triệu người. Tính đến tháng 12/2017, MoMo có hơn 5 triệu người dùng và kỳ vọng tăng gấp 2-3 lần trong năm 2018. Ví Việt thì có hơn 2 triệu người dùng và đặt kế hoạch 3,5 triệu người trong năm 2018. Thị trường này sắp tới sẽ sôi động khi Grab đang chuẩn bị gia nhập và Ali Pay của Alibaba cũng đang thăm dò để có thể hoạt động tại Việt Nam.

Cuộc đua ví điện tử ngày càng hấp dẫn với người tiêu dùng - 1
Thị trường ví điện tử ngày càng sôi động ở Việt Nam. Tuy nhiên nhiều DN vẫn loay hoay tìm chỗ đứng.

Nhưng “ sống” được bao nhiêu?

Tuy sôi động như vậy nhưng ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho biết chỉ có khoảng 5 đơn vị trung gian thanh toán có lãi từ các giao dịch! Những DN còn lại, số đang duy trì, hoạt động cầm chừng hoặc lỗ lã và tính đến phương án sáp nhập, đóng cửa.

Theo ông Dũng thì thói quen sử dụng dịch vục trực tiếp từ các ngân hàng vẫn rất lớn, hơn nữa nhiều ví điện tử quảng bá rất hoành tráng nhưng khi sử dụng lại chưa tiện lợi.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng là ngân hàng sở hữu Ví Việt cho rằng: “Ví điện tử cần thêm thời gian để phát triển tương xứng nhu cầu khách hàng và tiềm năng thị trường. Bên cạnh đó, thói quen dùng tiền mặt vẫn cần thời gian thay đổi. Khách hàng cần từng bước trải nghiệm được sự an toàn, tiện ích để tin tưởng sử dụng. Cũng giống như nhiều dịch vụ khác, khi họ sử dụng thấy tiện lợi, an toàn và cần thiết cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày thì tự khắc họ sẽ tìm đến. Còn ngược lại dù có quảng cáo hay đến đâu, nhiều ví đến mấy thì cũng rất khó thu hút người tiêu dùng”.

Hiện nay nhiều ví điện tử chưa gắn kết với hệ sinh thái, chưa có được mạng lưới điểm chấp thuận thanh toán rộng khắp. Nhiều người đã so sánh với WeChat Pay và Ali Pay về độ phủ của ứng dụng này tại Trung Quốc khi mà người bán hàng rong cũng chấp nhận thanh toán bằng hình thức này. Không chỉ thanh toán, nhờ có “hệ sinh thái” đa dạng và gắn kết, các loại ví điện tử phổ biến trên thế giới mới được ưa chuộng như hiện nay. Do vậy, mấu chốt của “cuộc chiến sinh tồn” trong việc lôi kéo người dùng hiện tại chính là “hệ sinh thái”.

Hiện Zalo Pay đang đi theo hướng trên dù ra đời khá muộn nhưng đã tăng tốc vươn lên vào thời điểm đầu 2018 với dấu ấn đầu tiên là chiến dịch lì xì qua ví điện tử dịp Tết, vốn là ý tưởng khá thành công ở Trung Quốc của WeChat và Ali Pay. Ví điện tử này cũng có sẵn là hệ sinh thái người dùng tiềm năng đông đảo từ ứng dụng nhắn tin Zalo. Gần nhất hợp tác để tạo ra hệ sinh thái thanh toán di động khá lớn của Moca và Grab. Cả hai đều có tham vọng phát triển ví điện tử và đã công khai ý tưởng “đi xa cùng nhau” để cảnh báo các đối thủ khác.

Cuộc chiến giữa các loại ví điện tử cùng các hình thức thanh toán trung gian đang hứa hẹn gay cấn và hấp dẫn. Đối với người tiêu dùng, càng có nhiều lựa chọn với dịch vụ đa dạng, độ phủ rộng lớn và tiện lợi hơn họ càng ủng hộ. Viễn cảnh về một tương lai không dùng tiền mặt và tất cả dịch vụ đều được “xử lý” qua smartphone có lẽ không còn quá xa vời. Khi đó, chắc chắn “thượng đế” sẽ được chiều chuộng và hưởng lợi nhiều hơn...

Theo Phan Nguyễn (Người Tiêu Dùng)