Kinh tế

Cục Thuế TP HCM xin chỉ đạo việc truy thu thuế Sabeco, Unilever

Lãnh đạo ngành thuế TP HCM cho biết việc truy thu thuế của Sabeco, Unilever là "ngoài tầm" của địa phương.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2019 ngày 10/1, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Trần Ngọc Tâm kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính sớm có chỉ đạo xung quanh việc xử lý truy thu với Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Unilever Việt Nam với lý do "ngoài tầm" của đơn vị này.

Trước đó, Cục Thuế TPHCM đã thông báo về số tiền chậm nộp thuế và tiền nộp vi phạm hành chính của Sabeco là hơn 3.140 tỷ đồng. Số trên bao gồm tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 đến 2015. Ba ngày sau khi nhận được thông báo, do Sabeco không nộp thuế theo thông báo nên phía Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định cưỡng chế nộp phạt trong 28/12. Tuy nhiên, sau đó, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính và UBND TP HCM chỉ đạo Cục thuế địa phương chưa cưỡng chế thuế Sabeco. 

Cục Thuế TP HCM xin chỉ đạo việc truy thu thuế Sabeco, Unilever
Những sản phẩm của Sabeco được bày bán trên kệ hàng. 

Với Unilever Việt Nam, trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế Unilever số tiền 575 tỷ đồng. Sau đó, Cục Thuế TP HCM ra một văn bản yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản theo quy định. Tuy nhiên, phía Unilever có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng xin không cưỡng chế doanh nghiệp để chờ kết luận của Chính phủ.

Tại cuộc họp sáng nay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tính sơ bộ 10 năm qua, tổng thu ngành thuế tăng hơn 3,4 lần. Với 61 trong tổng số 63 đạt kế hoạch thu, nhiều địa phương có số thu nằm trong nhóm 50.000 tỷ đồng, lãnh đạo Chính phủ nhận định đây là con số khả quan, nhưng cũng yêu cầu ngành thuế cần lưu ý việc quản lý giao dịch liên kết, tăng cường chống chuyển giá theo thông lệ quốc tế và quản lý thuế trên cơ sở rủi ro. 

Phó thủ tướng yêu cầu trong năm 2019, các đơn vị cần cụ thể hóa cũng như hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử ở Hà Nội, TP HCM và thành phố lớn. Trong đó, tập trung vào các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống lưu trú, phải có văn hóa hóa đơn.

"Ở các nước, một cốc nước thôi cũng minh bạch tính thuế. Làm được thế thì mới bớt được số hộ đóng thuế khoán. Nhiều cơ quan thuế thế giới họ còn phát hành xổ số theo số hóa đơn, để mọi người dùng đòi hóa đơn", ông Huệ nói và nhấn mạnh việc phải làm sao để tạo thành văn hóa sử dụng hóa đơn và đóng thuế.  

Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2018, ngành đã thực hiện gần 90.400 cuộc thanh tra, kiểm tra, với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.300 tỷ đồng.  Trong đó, thanh tra, kiểm tra được 593 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết và truy thu, truy hoàn, phạt gần 1.640 tỷ đồng, giảm lỗ 4.800 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế xấp xỉ 7.300 tỷ đồng. 

Theo Nguyễn Hà (VnExpress.net)