Kinh tế

Cục pin 'thần bí': Lời đồn đáng sợ và cú đầu độc dã tâm

Người ta trộn phế phẩm cà phê (vỏ cà phê, hạt cà phê loại thải xay nát) với đá xay, sau đó nhuộm đen bằng hóa chất hòa với bột than từ lõi pin Con Ó để sản xuất ra thành phẩm cà phê. Chưa hết, pin được đồn còn dùng để luộc ngô, bánh chưng,... cho nhanh nhừ. Trong tay những kẻ dã tâm, cục pin như một độc chiêu 'thần bí' giúp chúng đang tâm đầu độc đồng loại.

 Cà phê nhuộm pin Con Ó 

Dư luận xôn xao trước việc nhuộm đen cà phê thải loại bằng bột pin rồi tuồn ra thị trường.

Cụ thể, chiều tối ngày 15/4, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN-PTNT, UBND huyện Đắk R’lấp và Công an xã Đắk Wer đã bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13, xã Đắk Wer đang pha trộn tạp chất vào cà phê.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin... dùng để nhuộm đen cà phê.

Cục pin 'thần bí': Lời đồn đáng sợ và cú đầu độc dã tâm
Cà phê vụn và vỏ cà phê được nhuộm đen bằng pin tại cơ sở của bà Loan.

Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ mục đích của việc trộn phế phẩm cà phê (vỏ cà phê, hạt cà phê loại thải xay nát) với đá xay, sau đó nhuộm đen bằng hóa chất hòa với bột than từ lõi pin Con Ó để sản xuất ra một loại hỗn hợp nghi là cà phê thành phẩm để tuồn ra thị trường.

Cục pin 'thần bí': Lời đồn đáng sợ và cú đầu độc dã tâm - 1
Pin được đập lấy lõi để nhuộm đen cà phê.

Cơ sở chế biến này hoạt động từ nhiều năm nay, tính từ đầu năm đến nay đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn.

Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu uống phải loại cà phê này, mà còn tác động tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê của Việt Nam. Tuy nhiên, việc dùng pin cho vào thực phẩm lại không phải là lần đầu tiên nghe thấy ở Việt Nam. Trước đây, dư luận cũng rúng động khi nghe tin dùng pin để luộc bánh chưng, luộc ngô.

Cục pin 'thần bí': Lời đồn đáng sợ và cú đầu độc dã tâm - 2
Tin đồn bánh chưng luộc cùng pin để cho nhanh nhừ đã lan truyền rất lâu.

Tin đồn bánh chưng luộc cùng pin để nhanh nhừ đã lan truyền rất lâu và rất rộng. Người ta đồn rằng, để tiết kiệm thời gian nấu bánh, người làm bánh đã dùng lõi pin cho vào khiến bánh vừa nhanh chín, vừa có màu đẹp.

Tuy nhiên, đến nay, chưa từng ghi nhận vụ việc cơ quan chức năng bắt quả tang người luộc bánh chưng cho pin vào nồi luộc bánh. Còn về cơ sở khoa học, nhiều chuyên gia công nghệ thực phẩm khẳng định việc cho pin vào nồi bánh chưng không hề có tác dụng làm cho bánh nhanh nhừ và giữ lá còn xanh như tin đồn mà còn gây rất nhiều tác hại bởi những hóa chất độc hại trong pin.

Tương tự, cũng có tin đồn ngô luộc cùng pin cho nhanh chín, gây lo ngại cho người tiêu dùng. 

Người ta kháo nhau rằng, để nấu bắp ngô nhanh chín, thơm ngon, ngọt và có thể để lâu mà không bị ôi thiu không khó, những người bán ngô dạo chỉ cần dùng... hóa chất rồi cho một cục pin vào nồi ngô đang sôi thì chỉ cần không đến 2 giờ đồng hồ, nồi ngô 200 bắp sẽ chín. Không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí, những bắp ngô được luộc cùng pin sẽ để được lâu hơn, trông ngon mắt hơn.

Cục pin 'thần bí': Lời đồn đáng sợ và cú đầu độc dã tâm - 3
Tin đồn ngô luộc cùng pin cũng khiến nhiều người lo ngại.

Cảnh báo nguy hiểm nếu dùng pin nấu thực phẩm

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào bởi có rất nhiều hóa chất, trong đó còn chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium,... rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người.

Chì, Magie, Mangan trong pin sẽ thôi ra khiến người ăn bị ngộ độc. Nhẹ, tức thời sau khi ăn ít, người dùng sẽ bị ngộ độc tiêu hóa, nặng hơn và lâu dài, chúng sẽ tích lũy trường diễn và tiềm ẩn ung thư. Người ta đã khuyến cáo trẻ con không được chơi pin bởi thực tế, có nhiều trẻ cầm pin chảy nước đã bị bong da. Điều đó cho thấy nó là chất độc.

Chuyên gia lấy ví dụ với chì có trong pin, tùy theo lượng chì đưa vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hàm lượng chì quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh...  Đặc biệt, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn hơn cả khi bị nhiễm do có khả năng hấp thu và nhạy cảm với chì cao hơn. Một số nghiên cứu cho thấy nhiễm độc chì làm giảm chỉ số thông minh của trẻ. Nhiễm chì làm hệ thần kinh luôn căng thẳng và rối loạn tập trung chú ý ở trẻ em từ 7-11 tuổi.

Cục pin 'thần bí': Lời đồn đáng sợ và cú đầu độc dã tâm - 4
Pin chứa nhiều hóa chất độc hại.

Tương tự, cadmium, một chất có trong lõi pin cũng rất nguy hiểm, chỉ cần một lượng 30-40g cũng đủ gây chết người. 

Còn thủy ngân đi vào não và gây hư hỏng nhiều cấu trúc bao myeline của dây thần kinh. Nó làm giảm khả năng trí tuệ cũng như rối loạn tính tình và thái độ, đồng thời làm suy yếu miễn dịch.

Vì vậy, nếu sử dụng pin nấu thực phẩm là vô cùng nguy hiểm, sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm độc và mắc các bệnh mạn tính.

PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, với việc trộn pin với bột cà phê, trong quá trình pha cà phê, mangan dioxit sẽ thôi ra nước cà phê. Người uống phải lượng mangan này sẽ có thể bị ngộ độc.

Việc luộc bánh chưng, ngô với pin sẽ khiến các thực phẩm này bị nhiễm chì, từ đó gây suy giảm trí tuệ, lùn, khả năng học kém, rối loạn tư duy cho người sử dụng. Do đó, các chuyên gia khẳng định, việc sử dụng lõi pin trong chế biến thực phẩm là tuyệt đối không được phép. Đó là một tội ác.

Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)