Kinh tế

Công ty nào có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam?

Danh sách 40 công ty giá trị nhất Việt Nam vừa được công bố với nhiều thay đổi. Nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng chiếm số lượng áp đảo, xếp sau là nhóm tài chính – ngân hàng.

Danh sách 40 công ty giá trị nhất Việt Nam vừa được công bố với nhiều thay đổi. Nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng chiếm số lượng áp đảo, xếp sau là nhóm tài chính – ngân hàng.

So với năm ngoái, danh sách năm nay có thêm các gương mặt mới như Đường Quảng Ngãi, Petrolimex, Saigon Tourist, Lộc Trời.

Tổng giá trị của 40 thương hiệu công ty năm nay đạt trên 5,4 tỷ USD, tăng hơn 20% so với danh sách công bố năm 2016.

Trong top 5 thương hiệu dẫn đầu, xếp sau Vinamilk là Viettel với giá trị 849,6 triệu USD,  Vingroup với giá trị 299,3 triệu USD. Hai vị trí còn lại thuộc về Bia Sài Gòn (Sabeco) và CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), với giá trị lần lượt đạt 254,5 tỷ USD và 217,9 tỷ USD.

3 vị trí thấp nhất trong danh sách công bố lần này là Biti’s, Thiên Long và Lộc Trời, giá trị lần lượt 20 triệu USD; 15,3 triệu USD và 13,1 triệu USD.

Cong ty nao co gia tri thuong hieu lon nhat Viet Nam? hinh anh 1

Vinamilk 2 năm liên tiếp đứng đầu danh sách thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam. Đồ họa: Quang Thắng.

Trong danh sách 40 công ty giá trị nhất Việt Nam lần này, nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng chiếm số lượng áp đảo, xếp sau là nhóm tài chính – ngân hàng. Nhóm công nghệ - viễn thông có ba đại diện.

Đơn vị công bố xếp hạng cho biết bảng xếp hạng này dựa trên những doanh nghiệp có số liệu tài chính minh bạch, không phải toàn bộ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước lớn tại Việt Nam.

Hầu hết doanh nghiệp nổi bật trên thị trường hiện này đều góp mặt trong danh sách. Nhóm hàng không có sự góp mặt của Vietnam Airlines và Vietjet Air. Nhóm ngân hàng có tới 7 đại diện, giá trị lớn nhất là Vietcombank với 137 triệu USD, thấp nhất là ACB với 26,3 triệu USD.

Với việc chuẩn bị IPO trên sàn NASDAG, VNG là công ty công nghệ góp mặt trong danh sách ở vị trí 26, với giá trị thương hiệu đạt 36,5 triệu USD.

Forbes Việt Nam cho biết đơn vị thực hiện danh sách này theo phương pháp đánh giá của Forbes, tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt doanh thu lớn trong ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.

Tiếp theo sẽ tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Việc thu thập số liệu của các doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính của các công ty, dữ liệu trên thị trường chứng khoán.

Một số công ty chưa niêm yết cũng đồng ý cung cấp dữ liệu tài chính để Forbes tính toán.

Thu nhập thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp được xác định từ giá trị đóng góp của tài sản vô hình, sau khi đã áp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ, tùy theo mức độ đóng góp của thương hiệu trong từng ngành.

Giá trị thương hiệu chung được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa giá thị trường và thu nhập ròng trên mỗi cổ phần mà thương hiệu mang lại) trung bình ngành. Với công ty chưa niêm yết sẽ được so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô để xác định giá trị thương hiệu.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)