Kinh tế

Công trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long vẫn nợ tiền nhà thầu

Nhiều công trình xây dựng gần chục năm, nhà thầu vẫn chưa được nghiệm thu quyết toán do quy trình thủ tục nhiều vướng mắc.

Nhiều công trình xây dựng gần chục năm, nhà thầu vẫn chưa được nghiệm thu quyết toán do quy trình thủ tục nhiều vướng mắc.

Theo đa số ý kiến của đại diện doanh nghiệp, hiện nay các quy định nhằm hạn chế nợ đọng trong xây dựng cơ bản chưa đủ mạnh để tạo sức ép cho chủ đầu tư phải thực hiện thanh toán cho nhà thầu như hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên. Do đó, nhiều công trình dù đã hoàn thành suốt nhiều năm nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán, nghiệm thu. 

Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai chia sẻ câu chuyện tại dự án Bảo tàng Hà Nội - công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đã đi vào vận hành từ năm 2010 đến nay vẫn chưa quyết toán được nên vẫn còn nợ đọng. Dự án nhà ở cho sinh viên tại Mỹ Đình cũng trong tình trạng tương tự...

cong-trinh-ky-niem-nghin-nam-thang-long-van-no-tien-nha-thau

Bảo tàng Hà Nội đã vận hành 10 năm nhưng nhà thầu vẫn chưa nhận được tiền. Ảnh: Phương Sơn

Theo đại diện doanh nghiệp, việc đầu tư dàn trải là nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ đọng lớn. Điều này không chỉ gây khó khăn cho nhà thầu mà cả doanh nghiệp liên quan, khiến sức khỏe của doanh nghiệp yếu đi.

“Nhà thầu cứ phải chạy vạy hết năm này qua năm khác. Dự án đang triển khai mà ngân sách đầu tư công thắt chặt thì rất khó để hoàn thành, nhưng cũng không thể quyết toán bởi quy định đòi hỏi thủ tục phải đầy đủ”, lãnh đạo Công ty Xuân Mai cho hay, đồng thời đề xuất nên cải cách quy trình đầu tư đơn giản, thông thoáng hơn.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tính đến hết kế hoạch năm 2016, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương là 9.557 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh bị nợ đọng tiền xây dựng cơ bản vốn ngân sách Nhà nước đến 2.000 tỷ đồng, trong khi vốn công ty khoảng 200 – 300 tỷ. Doanh nghiệp vì thế phải "còng lưng" trả lãi ngân hàng. Đặc biệt, theo ông Hiệp, điều khó là phần lớn nợ đọng này lại tập trung vào khối doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến tình trạng "nhà nước nợ nhà nước", rất khó giải quyết.

Không chỉ ở những công trình của nhà nước mà ở một số dự án thương mại, các nhà thầu cũng cho biết gặp không ít khó khăn khi "đòi" tiền từ chủ đầu tư. Đại diện Tổng công ty 36 - nhà thầu tại dự án Coma 18 dự án Westa (Hà Đông) cho hay tham gia thực hiện dự án vào thời điểm bất động sản nóng sốt. Tuy nhiên, khi thi công xong, thị trường bất động sản nguội lạnh không bán được, bán giá thấp, chủ đầu tư khó khăn về tài chính nên xảy ra tình trạng nợ đọng, mặc dù hợp đồng, pháp lý khá rõ ràng. 

Ông Dương Văn Cận – Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, một số văn bản như Luật xây dựng, Luật đấu thầu cần được sửa đổi theo hướng giảm tình trạng "chủ đầu tư cầm đằng chuôi dao, còn nhà thầu cầm đằng lưỡi". 

“Từ 2013 đến nay, Chính phủ đã có nhiều văn bản quy định chấm dứt nợ đọng xây dựng cơ bản của ngân sách Nhà nước từ 31/12/2014 và không giải quyết nợ đọng từ 1/1/2015. Tuy nhiên, thực tế, nợ đọng vẫn hiện hữu. Rõ ràng Chỉ thị vẫn chưa đi vào cuộc sống, các nhà thầu tuy chưa phá sản nhưng sống lay lắt do chiếm dụng vốn của nhau”, ông Cận nói. 

Về giải pháp tháo gỡ, ông Trần Nhật Thành, Chủ tịch tập đoàn DELTA cho rằng, thực tế, hiện nay các quy định nhằm hạn chế nợ đọng trong xây dựng cơ bản chưa đủ mạnh để tạo sức ép cho chủ đầu tư phải thực hiện thanh toán cho nhà thầu như hợp đồng đã ký kết.

“Trong khi đó, nếu kiện nhau ra toà án hay trọng tài kinh tế cũng là phương án bất đắc dĩ vì các bên đều bị thiệt hại và cũng phải mất một thời gian dài theo đuổi với đủ các phiền toái mà chưa chắc đã đòi được tiền”, vị này nói, đồng thời đề xuất cần có quy định đối với người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị nếu để nợ đọng thì phải chịu chế tài thế nào.

Theo VnExpress.net