Kinh tế

Coi chừng gần 100.000 tỉ đồng tan theo mây khói

Theo báo cáo của các bộ, ngành, tính đến 25.8.2017, có 43 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, tổng mức đầu tư lên đến 42.000 tỉ đồng. Tính thêm 12 dự án của ngành công thương, con số lên tới 100.000 tỉ đồng.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, tính đến 25.8.2017, có 43 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, tổng mức đầu tư lên đến 42.000 tỉ đồng. Tính thêm 12 dự án của ngành công thương, con số lên tới 100.000 tỉ đồng.

Những chiếc tàu Hoa Sen, những ụ nổi, những con tàu hoành tráng từng mang tham vọng quả đấm thép trở thành những đống phế liệu làm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Zing

Một con số quá to với một nước còn nghèo, nợ công nặng trên vai người dân, phải tính đến tăng thuế VAT để tăng nguồn thu. Thực tế đó dù không muốn cũng phải đối diện, chẳng tránh đi đâu được.

Nói là dấu hiệu đầu tư không hiệu quả cho bớt đi nỗi sợ hãi, chứ thực ra có những dự án đã là xác chết, chỉ còn lo việc khâm liệm. Những Vinashin, Vinalines từng được tái cơ cấu nhưng làm sao có thể sống lại một xác chết. Người dân từng háo hức khi nghe những tuyên bố về tái cơ cấu Vinashin, nhưng mọi hy vọng đều vụt tắt.

Những chiếc tàu Hoa Sen, những ụ nổi, những con tàu hoành tráng từng mang tham vọng quả đấm thép trôi dạt về đâu trên các vùng biển, trở thành những đống phế liệu làm ô nhiễm môi trường, tiêu hủy không được, bán phế liệu không xong.

Còn nhiều dự án khác của ngành công thương, sống không được, cho chết cũng không xong. Tiền Nhà nước bỏ ra để “thuốc thang” cho một cơ thể ung thư giai đoạn cuối nghĩ mà xót. Để càng lâu thì con số không chỉ dừng lại 100.000 tỉ đồng, mà không chừng sẽ phải tốn kém thêm. Nghĩ mà đau, mà nổi giận.

Còn nhiều dự án khác của các bộ, ngành, của các TCty nhà nước, của các địa phương, đụng đâu cũng con số ngàn tỉ. Nào là dự án trồng rừng nguyên liệu, dự án chế biến gỗ, dự án cảng biển… Tăng vốn cho các dự án này là chuyện bỏ tiền vào lò hỏa thiêu, nhưng vứt một bên thì vứt tiền, nhà máy, thiết bị trơ gan cùng tuế nguyệt, để lâu những thứ đầu tư hàng trăm tỉ chỉ còn là đống sắt vụn.

Làm gì để cắt lỗ, để hạn chế bớt thiệt hại, để 100.000 tỉ đồng không tan theo mây khói, đó là bài toán không hề dễ dàng. Không hy vọng gì các dự án này sinh lãi, chỉ mong trong hàng chục dự án, hỗ trợ để có vài dự án sống được, tự nuôi được đã là quá khó. Nó đã chết ngay từ khi sinh ra trên bàn giấy của những người vẽ ra và đặt bút ký.

Có những dự án đã thành vụ án và một vài người bước chân vào tù ngục, nhưng có những dự án chưa làm rõ trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Tiền dân đâu phải là lá mít.

Qua những con số này, cho thấy rõ chân dung của những doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả hoặc được o bế. Còn dung dưỡng những doanh nghiệp nhà nước như vậy, tiền dân, tiền nước còn tan thành mây khói.
 

Theo Lê Thanh Phong (Lao Động)