Kinh tế

Cổ phiếu bia Sài Gòn liên tục rớt giá, tỷ phú Thái đã mất 18.000 tỷ

Sau khi chi gần 104.000 tỷ đồng để thâu tóm 51% vốn tại Sabeco, giá cổ phiếu này liên tục giảm và công ty liên quan tới tỷ phú Thái Lan đang "tạm lỗ" hơn 18.000 tỷ đồng.

Phiên giao dịch hôm nay (20/12), cổ phiếu SAB tiếp tục giảm sàn, xuống còn 267.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 7% và “trắng bên mua” khi cuối phiên vẫn còn dư bán sàn.

Trước đó, ngay phiên đấu giá thì cổ phiếu SAB đã giảm, và trong phiên 19/12 (sau phiên đấu giá), cổ phiếu này giảm sàn hết biên độ, xuống 287.600 đồng.

So với giá mua vào là 320.000 đồng/cổ phiếu thì cổ phiếu SAB đã mất 52.500 đồng, tương đương mức giảm 16%. Công ty Vietnam Beverage có liên quan tới tỷ phú Thái Lan đã “tạm lỗ” 18.042 tỷ đồng so với giá thị trường hiện nay.

Cổ phiếu bia Sài Gòn liên tục rớt giá, tỷ phú Thái đã mất 18.000 tỷ
Cổ phiếu SAB đã giảm giá 16% so với mức giá được lựa chọn giá khởi điểm tại phiên đấu giá. Đồ họa: P.Diệp. 

Giá hợp lý 187.000 đồng/cổ phiếu

Với nhiều nhà đầu tư, việc SAB giảm sàn sau khi hoàn tất “deal” bán vốn là một cú sốc, như trường hợp thoái vốn tại Vinamilk thì cổ phiếu VNM tiếp tục bứt phá. Nhưng trên thực tế lại không quá bất ngờ đối với những phân tích có chiều sâu.

Thứ nhất, mức giá 320.000 đồng đấu giá thì chỉ số P/E của SAB là 45, cao vượt trội so với các “đại gia” bia trên thế giới (P/E từ 18- 25).

Thứ hai, cổ phiếu SAB đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua trước kỳ vọng bán vốn nhà nước. Đối với các nhà đầu tư tài chính thông thường thì “tin ra là bán” nên họ đẩy mạnh chốt lãi SAB, đưa cổ phiếu về với giá trị hợp lý hơn sau giai đoạn tăng quá nóng.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) thì giá trị hợp lý của SAB là 187.000 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E (hệ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) dự phóng năm 2018 là 22,5 lần. Hiện cổ phiếu SAB đang có P/E dự phóng năm 2017 là 43,6 lần, đắt hơn đáng kể so với các phương pháp định giá.

Vậy những nguyên nhân nào lý giải cho trường hợp tỷ phú Thái Lan sẵn sàng mua với giá cao ngất ngưởng như trên.

Mua quyền kiểm soát

Sabeco do bị vướng quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài chỉ là 49% nên ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen đã phải thông qua một pháp nhân F&B Alliance Việt Nam để thành lập Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Việt Nam vào tháng 10/2017.

Cổ phiếu bia Sài Gòn liên tục rớt giá, tỷ phú Thái đã mất 18.000 tỷ - 1
Cơ cấu cổ đông dự kiến của Sabeco sau khi hoàn tất chuyển nhượng cổ phiếu đấu giá. Đồ họa: P.Diệp 

Vietnam Beverage được tính là doanh nghiệp nội địa, nên không bị quy định về “room ngoại”, do đó có thể mua tối đa số cổ phần chào bán của Bộ Công Thương. Thực tế công ty này đã mua 51%, một tỷ lệ đủ để kiểm soát.

Thông thường, các thị trường thì mức giá để mua quyền kiểm soát có thể tới 20% - 30% trong cơ cấu giá bán.  

Mức giá SAB là cao nhưng cách nhìn của nhà đầu tư chiến lược sẽ khác với nhà đầu tư tài chính.

ThaiBev mua giá cao cũng vì kỳ vọng sau khi kiểm soát được Sabeco sẽ có thay đổi được cấu trúc quản trị, định hướng chiến lược,… để từ đó tạo ra lợi nhuận lớn hơn.

Sabeco còn nhiều tiềm năng tăng trưởng

Sabeco được coi là một trong những hãng bia lớn còn sót lại tại châu Á chào bán cổ phần tại một thị trường đông dân, triển vọng tăng trưởng mạnh của thị trường bia Việt Nam là 10% trong 5 năm tới.

Hiện tại, Sabeco chiếm 41% thị phần với hệ thống cơ sở cơ sở sản xuất hiện đại và hệ thống phân phối rất mạnh. Vì vậy sau khi kiểm soát bởi cổ đông mới thì Sabeco có thể nâng cao hiệu quả hoạt động, dùng mạng lưới phân phối rộng khắp để phân phối của SAB các thương hiệu bia của ThaiBev, và sử dụng cơ sở sản xuất của SAB để sản xuất sản phẩm của mình tại Việt Nam.

Mặc dù Sabeco đang chiếm thị phần áp đảo, gấp đôi so với đối thủ Heniken nhưng hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận lại kém hơn.

Theo số liệu của Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam - VIRAC, doanh thu năm 2016 của Cty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam đạt 33.900 tỷ đồng và 11.600 tỷ đồng lợi nhuận. Doanh thu hợp nhất của Sabeco và các công ty con đạt 30.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.700 tỷ đồng.

Doanh thu xấp xỉ nhau nhưng lợi nhuận của Sabeco chưa bằng một nửa của Heniken. Vì vậy, với cơ cấu cổ đông mới, các nhà đầu tư tin tưởng Sabeco sẽ có những lực đẩy mới và chịu sức ép cải thiện kết quả kinh doanh của mình.

Dễ dàng tăng vốn

Ngoài ra, về mặt tài chính thì Sabeco vẫn còn những “ẩn số” khác để tăng vốn. Hiện, vốn điều lệ của SAB là 6.413 tỷ đồng, mức vốn điều lệ này đã giữ nguyên kể từ khi IPO vào năm 2008.

Trên thị trường chứng khoán, hiếm có doanh nghiệp nào tầm cỡ như Sabeco giữ nguyên vốn điều lệ cả gần 10 năm như vậy.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017, SAB đang có 7.265 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 1.118 tỷ đồng quỹ Đầu tư phát triển. Số tiền này đủ sức trả cổ tức bằng cổ phiếu 100% để bổ sung vốn cho kinh doanh. 

Ngày 18/12, Công ty TNHH Vietnam Beverage (do ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi gián tiếp sở hữu 49%) đã mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị gần 5 tỷ USD.

Như vậy, Vietnam Beverage sẽ sở hữu 51% vốn tại Sabeco và chính thức nắm quyền chi phối hãng bia lớn nhất Việt Nam.

Theo Phương Diệp (Tri Thức Trực Tuyến)