Kinh tế

Có một số doanh nghiệp FDI lách luật chuyển giá?

Ngày 6.2, ông trả lời câu hỏi của báo chí, ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) thừa nhận có tình trạng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay lách luật, chuyển giá, trốn thuế mà các cơ quan pháp luật của Việt Nam chưa phát hiện được hoặc chưa có biện pháp phòng chống.

Có một số doanh nghiệp FDI lách luật chuyển giá?
Có một số doanh nghiệp FDI lách luật chuyển giá? Metro Cash & Carry từng bị kết luận trốn thuế, chuyển giá (Ảnh: IT)

Ông Phạm Đình Thúy cho biết, một bộ phận FDI hiện nay lách luật, chuyển giá, trốn thuế mà các cơ quan pháp luật của Việt Nam chưa phát hiện ra hoặc chưa có biện pháp chống chuyển giá. Do đó, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, làm môi trường đầu tư bị méo mó và cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp khối FDI với các khối doanh nghiệp khác.

Trả lời câu hỏi vai trò của doanh nghiệp FDI  đóng góp cho ngân sách Nhà nước như thế nào, ông Thúy cho biết: Doanh nghệp FDI chính là khu vực tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với khối doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng lại đóng góp của FDI cho ngân sách nhà nước lại thấp nhất trong các thành phần kinh tế với 250,9 nghìn tỷ đồng năm 2016. Trong khi đó, doanh nghiệp có lợi nhuận thấp nhất là khối doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế với với 434,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17%/năm giai đoạn 2010 – 2016.

Tuy nhiên, thực tế những đóng góp cho Nhà nước của doanh nghiệp FDI lại thấp hơn các loại hình doanh nghiệp khác. Nguyên nhân là doanh nghiệp FDI ở một số các địa phương sản xuất, lắp giáp, gia công, tiếp thị, điện tử viễn thông…được miễn thuế đối với các hoạt động nêu trên đối với thuế thu nhập như : 3 năm đầu tiên chỉ phải nộp thuế 10%, 9 năm tiếp theo đóng thuế 50%.

Bình quân, thuế thu nhập doanh nghiệp nói chung của các doanh nghiệp hiện nay khoảng 20 – 25%, còn các doanh nghiệp FDI đóng cao nhất trong vòng 30 năm cũng chỉ bằng ½ của các doanh nghiệp khác. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới đóng góp của khối doanh nghiệp FDI cho Nhà nước là không cao so với các thành phần doanh nghiệp còn lại.

Theo ông Thúy, muốn thu hút đầu tư nước ngoài thì cần phải có những ưu đãi để các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam sẽ thấy hấp dẫn. Do đó, nhiều địa phương đã đưa ra chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, khiến cho đầu tư FDI vào Việt Nam không ngừng tăng, từ đó đóng góp tích cực cho cả nền kinh tế.

Ông Thúy cũng cho biết, một số địa phương có chính sách khuyến khích miễn giảm các loại thuế cho các doanh nghiệp FDI với thời gian miễn giảm khác nhau. “Trước đây Bộ KHĐT là đơn vị nói chung cấp phép cho các dự án FDI nhưng hiện đã giao cho các địa phương tự chủ động cấp phép cho các doanh nghiệp FDI nên chính sách của các địa phương cũng có những khác nhau. Có tỉnh này ưu đãi cao, tỉnh khác lại không ưu đãi, tuy nhiên chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ tới đây cần có chính sách quy định các địa phương không được ưu đãi vượt khung để tạo công bằng trong thu hút FDI của các địa phương”, ông Thúy nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp FDI có số lượng doanh nghiệp ít nhưng hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn nên thu hút đáng kể vốn cho sản xuất kinh doanh  với tốc độ thu hút vốn cũng tăng nhanh. Tính đến thời điểm 31.12.2106, các doanh nghiệp FDI thu hút hơn 5 triệu tỷ đồng vốn cho sản xuất kinh doanh, bình quân giai đoạn 2010- 2016 mỗi năm thu hút thêm 17,7% vốn.

Theo Phi Long (Dân Việt)