Kinh tế

Có đến 50% người vay vốn tiêu dùng để kinh doanh

Những hồ sơ vay vốn kinh doanh không đủ tiêu chuẩn sẽ được người vay chuyển sang vay tiêu dùng để lấy vốn làm ăn.

Có đến 50% người vay vốn tiêu dùng để kinh doanh
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB.

Đây là thông tin từ ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tại hội thảo “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh” tổ chức mới đây.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, thị trường cho vay tiêu dùng đối với các ngân hàng thế giới, đặc biệt là các ngân hàng tại Châu Á là cơ hội kinh doanh rất tốt. Trong 5 năm gần đây, khi lãi biên của ngân hàng ngày càng thấp đi, cho vay tiêu dùng là “cứu cánh” cho lợi nhuận ngân hàng.

Không có chuyện ngân hàng tham gia cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hoặc cho vay tiêu dùng là hỗ trợ các đối tượng này, đây là cơ hội cho tất cả các ngân hàng.

Vấn đề là cho vay đối với 2 lĩnh vực này không đơn giản. Nếu như cho doanh nghiệp lớn vay vốn, các ngân hàng thương mại chỉ cần dựa vào những quy chế, quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để cho vay.

Còn cho 2 lĩnh vực này vay vốn, một mặt ngân hàng vẫn phải tuân thủ quy định của NHNN, một mặt ngân hàng còn phải phát triển những công cụ, sản phẩm cho vay phù hợp với đối tượng này.

Về cho vay tiêu dùng, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng hiện ở Việt Nam chỉ có 50% cho vay vào phục vụ nhu cầu tiêu dùng, 50% còn lại cho vay phục vụ nhu cầu kinh doanh nhóm mà họ chưa đạt chuẩn về hồ sơ để ngân hàng có thể cho vay bình thường.

Đây là cách làm rất năng động của các ngân hàng. Nếu không có cách cho vay này, doanh nghiệp siêu nhỏ không đủ điều kiện về tài sản thế chấp, không đủ các điều kiện về báo cáo tài chính… không có cách nào tiếp cận vốn ngân hàng.

Trong mấy năm qua, các ngân hàng phải tự động nghiên cứu các sản phẩm phù hợp, đảm bảo rủi ro nhưng vẫn “phủ sóng” được nhóm khách hàng này.

Đây là thị trường rất tiềm năng và cũng là “cứu cánh” trong việc phát triển sản phẩm và cạnh tranh của các ngân hàng Việt.

Tại hội thảo này, theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, năm 2017, cho vay tiêu dùng đã đem lại lợi nhuận khủng trong lịch sử cho nhiều ngân hàng Việt. Theo số liệu từ Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho vay tiêu dùng năm 2017 đã tăng tới 60%, còn theo một số liệu thống kê khác cho vay tiêu dùng cũng tăng 30%. Đối với khoản cho vay tiêu dùng, có những khách hàng đem lại lợi nhuận tới 40-50% lợi nhuận cho ngân hàng.

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cũng cho biết thêm, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam nếu xét trong tổng dư nợ tín dụng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nhìn về cầu tín dụng tiêu dùng so với tỷ lệ vay thì tiềm năng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn rất lớn. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang có nghiên cứu để đánh giá hết các điểm mạnh trong cho vay lĩnh vực này cùng với việc phải giám sát được rủi ro.

Theo một chuyên gia tài chính, nguồn vốn lấy ra kinh doanh từ vay tiêu dùng thì lãi suất (chi phí vốn) tất nhiên sẽ cao hơn lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ góp phần đẩy chi phí giá thành sản phẩm tăng cao.

Theo báo cáo Thông tin về hoạt động ngân hàng đến ngày 9/3/2018 của NHNN, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường của các ngân hàng TMCP ở mức: 7,8% - 9,0%/năm (ngắn hạn); từ 10% - 11%/năm (dài hạn).

Trên thị trường, lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp tại ngân hàng TMCP từ 10,2% -15,6%/năm.

Theo Lan Anh (Bizlive.vn)