Kinh tế

Chuyên gia bất động sản: Xin một văn bản xây dựng cũng phải phong bì

Trong các ngành nghề, doanh nghiệp xây dựng đang phải trả chi phí không chính thức cao nhất, theo khảo sát của VCCI.

Tình trạng xin - cho, phí phải trả không chính thức trong lĩnh vực xây dựng được nhiều chuyên gia bất động sản đề cập tại Hội nghị tháo gỡ về cơ chế, chính sách trong một số Luật về đầu tư xây dựng cơ bản do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 29/3. 

Trong đó, một chuyên gia tại hội nghị dẫn chứng tình trạng để xin được một văn bản phê duyệt trong ngành xây dựng thì vẫn còn tình trạng phải có “phong bì” hoặc thậm chí là mời cán bộ đi uống bia.  

Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng dẫn kết quả khảo sát với hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh cho thấy vẫn còn tình trạng doanh nghiệp xây dựng phải có mối quan hệ với chính quyền mới thuận tiện trong kinh doanh.

Chuyên gia bất động sản: Xin một văn bản xây dựng cũng phải phong bì
Việc xin cấp phép các thủ tục hành chính của Việt Nam khiến các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài rất e ngại. Ảnh: Ngọc Thành

Theo đó, 74% doanh nghiệp xây dựng phải có quan hệ với cán bộ để tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ nhà nước ưu ái các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thân quen trong ngành xây dựng còn cao.

“Các doanh nghiệp xây dựng là những đơn vị phải trả chi phí không chính thức cao nhất so với các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ”, ông nói.

Ông cho rằng, lĩnh vực xây dựng hiện còn nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết như: chưa có hành lang pháp lý cho condotel, quy hoạch treo, điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện, giấy phép xây dựng và thủ tục cấp, điều chỉnh còn phức tạp…

Miêu tả một cách hình ảnh hơn, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam gọi các thủ tục hành chính trong ngành xây dựng của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài như là “lạc vào mê hồn trận”, không biết phải làm thế nào, giải quyết ra sao?

Theo ông, ở Hà Nội, TP HCM, khi muốn làm một dự án phải chuẩn bị đến 2-3 năm vì cần xin thủ tục từ nhiều sở ngành, từ xây dựng, quy hoạch kiến trúc, thuế, tài nguyên môi trường…. Một sở lại chia tới 6 cơ quan khác nhau phải xin ý kiến với nhiều thủ tục khiến chủ đầu tư rất mệt mỏi.

“Như vậy thực chất một cửa nhưng thành ra phải qua 6 cửa mới giải quyết được công việc. Và thời gian từ 15 ngày trên lý thuyết thành 5-6 tháng là bình thường, mà đặc biệt qua quận – quận lại xuống phường”, ông Hiệp nói.

Vị này cũng cho rằng đây chính là lý do mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài luôn xác định thà mua lại dự án (M&A) với chi phí cao hơn nhưng họ không phải làm trực tiếp đi vào “mê hồn trận” thủ tục của Việt Nam.

Ông cho rằng các quy định, luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng đang được quản lý bởi nhiều bộ ngành. Ví như làm một dự án phải làm thủ tục đất đai với Bộ Tài nguyên & Môi trường, liên quan đến xây dựng là Bộ Xây dựng quản lý, cơ quan cảnh sát quản lý vấn đề phòng cháy chữa cháy, Bộ Quốc phòng quản lý vấn đề chiều cao tĩnh không của công trình, Bộ Kế hoạch & Đầu tư quản lý đấu thầu đầu tư công… Bên cạnh đó, còn tình trạng thiếu nhất quán giữa các luật, đó là chưa kể đến các văn bản dưới luật như Nghị định, thông tư và mỗi địa phương khi thực thi cũng khác nhau.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cũng đề xuất, để đảm bảo sự công bằng, các luật trong lĩnh vực xây dựng tới đây cần bổ sung quy định xử phạt cả người mua nhà nếu làm sai. Ông cho rằng hiện nay nếu người mua nhà không thực hiện đúng quy định thì không bị xử lý.

Theo ông Hiệp, nhiều trường hợp người mua nhà nợ, nói không đúng về chủ đầu tư, khi về ở vi phạm các quy định chung, không hợp tác trong việc vận hành tòa chung cư… Thậm chí, có những mâu thuẫn trong nhà chung cư mà chưa được pháp luật điều chỉnh, gây khó khăn, lúng túng cho chính quyền địa phương tìm phương án xử lý. 

Ông Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng, Tổng Hội xây dựng Việt Nam, góp ý rằng việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang rất phức tạp. Ông nhấn mạnh, nhiều chủ thể hiện nay không hiểu pháp luật, thậm chí có cả cơ quan chức năng. Việc khó khăn, phức tạp tạo ra cơ chế xin - cho, do đó cần hạn chế những quy định chung chung.

TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam nêu vấn đề việc thanh tra, kết luận thanh tra đang rất chồng chéo, dựa trên cơ sở pháp lý khác nhau. Ông đề xuất cần phải thống nhất việc thanh tra, kiểm tra để đạt mục đích phòng ngừa, có chế tài xử phạt khi sai phạm chứ không phải để gây áp lực, giảm thiểu sự chủ động cho doanh nghiệp và người dân.

Sau 88 kiến nghị được trình bày tại hội nghị hoặc gửi tới Bộ Xây dựng dưới dạng văn bản, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ lắng nghe một cách cầu thị, giải quyết các vướng mắc từng bước, theo hệ thống và trên tinh thần là sửa một cách toàn diện.

Ông Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, trong khi người quản lý thường muốn kiểm soát mọi việc thì người dân, doanh nghiệp - đối tượng bị quản lý lại luôn muốn được thông thoáng. Do đó, để dung hòa được hai yếu tố này là không dễ dàng. Tuy nhiên, với lĩnh vực xây dựng, nếu xử lý không tốt sẽ gây hậu quả đến tài sản, tính mạng, đời sống của người dân. Vì vậy, việc xử lý các kiến nghị sẽ trên tiêu chí cân đối cả tiền kiểm và hậu kiểm.

Bộ Xây dựng sẽ tập hợp, xin ý kiến Chính phủ vào ngày 2/4 và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 5.

Theo Nguyễn Hà (VnExpress.net)