Kinh tế

Chứng khoán 'phi mã' vượt mốc 1.000 điểm và hàng loạt nỗi lo

Những phiên đầu năm 2018, thị trường chứng khoán tràn đầy hưng phấn khi liên tục tăng điểm, vượt xa mức 1.000 điểm. Thế nhưng, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại tính bền vững của thị trường, trước mắt là áp lực chốt lời của nhà đầu tư đang hiện hữu.

Áp lực chốt lời

Tuần qua, dù có điều chỉnh ở phiên cuối tuần, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức 1.012,65 điểm. Trong phiên trước đó, thị trường đã lên đến đỉnh 1.019,75 điểm sau khi tăng tới hơn 14 điểm trong ngày.

Đáng chú ý, trong những phiên đầu năm, giao dịch khối ngoại vẫn tương đối mạnh. Nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái mua ròng trong gần như suốt tuần với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.

Dù thị trường mở đầu năm mới đầy ấn tượng nhưng giới phân tích và nhiều nhà đầu tư lại lo ngại về sự bền vững của thị trường. Mà trước mắt là lo lắng về áp lực chốt lời ngày càng gia tăng sẽ khiến thị trường có diễn biến phân hóa ở mức cao.

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), dù tâm lý hứng khởi đầu năm mới của nhà đầu tư đã hỗ trợ tích cực cho thị trường nhưng áp lực chốt lời gia tăng trong phiên cuối tuần sẽ khiến thị trường rung lắc mạnh.

Cùng chung nhận định, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, với lực cầu được duy trì mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt nhóm cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 4 tích cực, thị trường được dự đoán sẽ tiếp tục tăng điểm trong các phiên sắp tới. “Tuy nhiên, áp lực chốt lời dự đoán gia tăng sau nhịp tăng này sẽ khiến thị trường có diễn biến phân hóa ở mức cao” – BVSC cho biết.

Còn Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) thì cho rằng các nhà đầu tư theo xu hướng lướt sóng thời điểm này đã có thể cân nhắc chốt lời.

“Nhà đầu tư với tầm nhìn trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt và có thể tích lũy thêm các cổ phiếu được dự báo có triển vọng tăng trưởng năm 2018 tích cực.

Chứng khoán 'phi mã' vượt mốc 1.000 điểm và hàng loạt nỗi lo
Nhiều chuyên gia lo ngại tính bền vững của thị trường

Nếu lướt sóng thì nên hạn chế việc mua đuổi ở vùng giá cao bởi rủi ro của việc thị trường tăng nóng 9 phiên liên tiếp, thay vào đó nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời dần với những vị thế đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng khi VN-Index tiến gần đến ngưỡng kháng cự” - chuyên gia phân tích.

Tiền khối ngoại đổ vào, vẫn lo

Trong dài hạn, nhiều chuyên gia phân tích đánh giá, VN-Index có nhiều hỗ trợ để tiếp tục đi lên. Đó là việc các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng kinh tế lạc quan, nhiều thương vụ thoái vốn lớn sẽ giúp thị trường thêm hưng phấn, nhiều hàng tốt tiếp tục lên sàn...

Với các yếu tố hỗ trợ tích cực này, các chuyên gia dự báo, dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam, VN-Index thậm chí có thể vượt 1.300 điểm.

Chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI nhận định, năm 2018 sẽ là năm của dòng cổ phiếu cơ bản có định giá rẻ nên thích hợp cho chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu nhóm này. Đồng thời, lướt sóng cũng được xem là chiến lược thích hợp khi mức độ thanh khoản và nguồn margin (lượng tiền ký quỹ) của thị trường dự kiến sẽ còn cao hơn so với năm 2017.

Nhìn nhận chung về thị trường, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán đang có mức độ tăng tốt nhưng ông không cho rằng đây là sự tăng trưởng ổn định bền vững. Ông Hiếu cho rằng trước đó, các chuyên gia từng dự báo VN-Index có thể tăng lên 800 điểm nhưng thị trường đột nhiên lên tới hơn 1.000 điểm.

“Thị trường tăng đột biến chỉ trong 1 quý, thì dòng tiền đó ở đâu, nhà đầu tư nào bỏ tiền vào, khối ngoại nắm bao nhiêu, từ quốc gia nào, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ hay đâu? Dòng tiền đó ra vào như nào, họ đến Việt Nam với mong muốn xây dựng hay trục lợi và khi nào thị trường chênh vênh thì rút?” – ông Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi và cho rằng cần đặc biệt lưu ý vấn đề này.

Chung lo ngại, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang quá lệ thuộc vào dòng vốn ngoại và điều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro. Các chuyên gia cũng e ngại, sự tăng trưởng của VN-Index thời gian qua chủ yếu trên thị trường thứ cấp chứ không phải sơ cấp. Đó là tiền của các đại gia trao đổi với nhau chứ không đi vào sản xuất.

Theo Linh Nhật (An Ninh Thủ Đô)