Kinh tế

Thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất 50 điểm sau 30 phút

Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index mất luôn 50 điểm chỉ hơn 30 phút mở cửa giao dịch.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 9/2, thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ sau khi chứng khoán Mỹ quay đầu điều chỉnh hơn 4% trong phiên tối qua.

Cổ phiếu nhóm dầu khí, ngân hàng kéo nhau lao dốc

Áp lực trước diễn biến tiêu cực của biến thị trường thế giới khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc ngay từ khi mở cửa. Tuy nhiên, khác với 2 phiên giao dịch đầu tuần, số mã vốn hóa lớn giảm sàn không quá nhiều. Hiện nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn chịu áp lực mạnh nhất.

GAS (Tổng công ty khí gas Việt Nam) và PVD (Tổng công ty CP Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí) đều bị kéo xuống mức giá sàn. PVS (Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) cũng đang giảm 1.400 đồng (-6,93%) xuống 18.800 đồng/cổ phiếu. Áp lực bán trên nhóm này rất lớn khi giá dầu thế giới có sự điều chỉnh 5 phiên liên tiếp. 

Thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất 50 điểm sau 30 phút
Chỉ trong một tuần, chỉ số sàn TP.HCM đã giảm gần 120 điểm.

Lực bán giá thấp cũng tiếp tục lan đến đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn khác trên thị trường. Trong nhóm VN-30 hiện tại không có cổ phiếu nào tăng giá, thậm chí là đứng giá.

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG (Hoàng Anh Gia Lai) và HNG (Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) cũng đang giằng co ở mức giá sàn. HAG hiện đã khớp lệnh được 5 triệu cổ phiếu, còn HNG là 2,7 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng trong sắc đỏ. Nhóm 14 cổ phiếu ngân hàng như các đại gia VCB (Vietcombank), CTG (Vietinbank), BID (BIDV) đều giảm trên 5%. Đặc biệt, VCB bị bán mạnh, có thời điểm đã giảm sàn hết biên độ.

Cùng lúc đó, lực cầu bắt giá thấp khá lớn đã giúp thanh khoản thị trường tương đối cao. Tổng giá trị giao dịch đạt 1.200 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường yếu khi có 47 mã tăng và 264 mã giảm. Điều này chứng tỏ lực cung cổ phiếu tăng trên diện rộng, có 19/20 nhóm ngành đi xuống.

Sau khoảng 30 phút mở cửa giao dịch, VN-Index giảm đến 48,98 điểm (-5,03%), xuống 974,27 điểm. HNX-Index giảm 4,07 điểm (-3,48%) xuống 112,87 điểm. 

Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng chinh phục mốc 1.000 điểm, chỉ số sàn TP.HCM lần thứ 2 rời khỏi mốc này.

Các cổ phiếu trong ngành đã phá vỡ đường MA 20, thậm chí một số cổ phiếu đã phá vỡ MA 50, hàm ý không tích cực về sự rung lắc trong ngắn hạn sẽ còn tiếp tục.

Phiên giao dịch thứ 6 này, thị trường chứng khoán châu Á đã cùng trượt dốc, nối tiếp làn sóng bán tháo trên Phố Wall. Sắc đỏ bao trùm hầu hết bảng điện tử với áp lực bán mạnh do ảnh hưởng từ đà bán tháo trên thị trường Mỹ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản sau 3h mở cửa đã giảm 600 điểm, tương đương mức giảm 2,8% xuống 21.290 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong lao dốc tới 1.007 điểm, tương ứng 3,31%.

Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite sàn Thượng Hải sụt 134 điểm, tương ứng 4,1% còn 3.127 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc sụt 41,5 điểm (tương ứng 1,73%), còn ASX 200 của Australia lùi 51 điểm (tương ứng 0,8%).

Các thị trường Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng đều giảm điểm.

Chưa đáng lo?

Tại thời điểm 10h, toàn thị trường chỉ có 65 cổ phiếu tăng giá nhưng số mã giảm áp đảo với 331 cổ phiếu, trong đó có 35 cổ phiếu giảm sàn.

Đà giảm tạm dừng, VN-Index chỉ còn mất 35 điểm, tương đương mức giảm 3,5%, đứng ở 988 điểm. HNX-Index giảm 1,8 điểm, tương đương mức giảm 1,5%.

Tuần giao dịch này là một chuỗi ngày khó khăn đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng cộng, VN-Index đã giảm đến 117 điểm so với mốc 1.105 điểm của phiên ngày 2/2/2018.

Trao đổi với Zing.vn, một chuyên viên phân tích chứng khoán cho biết phiên giao dịch ngày 9/2 giảm mạnh do áp lực lượng hàng giá rẻ của phiên bắt đáy ngày 6/2 về tài khoản.

Ngoài ra còn nỗi lo về việc thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ khi chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt tới 1.032 điểm.

Việc VN-index tăng một mạch từ 700 điểm lên 1.120 điểm mà chưa có điều chỉnh nên các phiên trong tuần này điều chỉnh là bình thường. Cùng với đó là tâm lý bán để tránh lãi magrin trong dịp nghỉ Tết của một số nhà đầu tư ngắn hạn với tâm lý đầu cơ.

Phân tích về xu hướng dài hạn thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn, khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt, doanh nghiệp kinh doanh khởi sắc. Có tới 94% doanh nghiệp trên sàn chứng khoán kinh doanh có lãi trong năm 2017.

Câu chuyện nâng hạng thị trường của Việt Nam cũng rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, và họ tiếp tục mua ròng mạnh trên thị trường Việt Nam kể từ đầu năm 2018 tới nay đã thể hiện xu hướng trên.

Theo Phương Diệp - Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)