Kinh tế

Chủ tịch TP.HCM: Cần cơ chế riêng chứ không xin 'miếng bánh' to hơn

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định không đề xuất tăng phần trăm ngân sách giữ lại. Việc có cơ chế riêng sẽ tạo động lực và đột phá phát triển cho thành phố.

Có mặt tại Quốc hội với tư cách khách mời, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ với báo chí về sự cần thiết của cơ chế đặc thù cho địa phương này.

- Trước đây, TP.HCM đóng góp cho cả nước 1,5 lần nhưng sự vượt trội này đang dần mất đi ưu thế, thậm chí đang có xu hướng tụt hậu. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- TP.HCM vẫn phát triển nhưng đang chậm lại. Chính vì vậy, TP đề xuất với Trung ương tạo chính sách đặc thù và xung lực mới cho việc thúc đẩy quy mô tăng trưởng theo hướng bền vững hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, thu ngân sách tài chính hiện nay của TP là 350.000 tỷ đồng, chiếm 30% thu ngân sách cả nước, chính xác năm 2017 trung ương giao cho TP thu là 347.000 tỷ đồng.

Trước nhiệm vụ này, TP phải hết sức nỗ lực nhưng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tỷ lệ thu nội địa. Trong giai đoạn 2010-2015 tốc độ tăng trưởng GDP là 9,6%. Nhưng bắt đầu từ 2016, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ còn 8,5%. Năm 2017, TP cố gắng phấn đấu đạt 8,4% nhưng rất khó khăn. Vừa qua, chúng tôi sơ bộ tính toán GDP tăng cao nhất là 8,25%.

Chủ tịch TP.HCM: Cần cơ chế riêng chứ không xin 'miếng bánh' to hơn
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Thắng Quang.

Từ nay đến cuối năm, TP sẽ cố gắng tìm ra những giải pháp để làm sao đạt được chỉ tiêu nhưng không đơn giản.

- Hiện, có nhiều ý kiến lo ngại khi TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng chỉ được giữ lại 18% số thu ngân sách. Ông thấy sao?

- Tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ, trước đây, TP được giữ lại 23% bây giờ chỉ còn 18%. Trong 18% đó cao nhất là chi 35% cho đầu tư xây dựng cơ bản, bên cạnh đó TP phải chủ động bằng các phương thức huy động nguồn lực từ bên ngoài để làm sao hoàn thiện môi trường đầu tư, tìm mọi nguồn lực.

Đặc biệt là đất đai, nhưng khai thác nguồn lực đất đai, TP phải theo hướng công khai minh bạch rõ ràng. Hành lang pháp lý thuận lợi sẽ là cơ sở vững chắc tạo ra động lực cho TP.

Dù có bị ảnh hưởng, chúng tôi phải nỗ lực chủ động hoàn thiện môi trường đầu tư để mời gọi các dự án đầu tư nước ngoài, mặt khác chủ động tìm kiếm các phương thức đầu tư từ các doanh nghiệp.

- Một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng của TP.HCM không tương xứng với tiềm năng là do chi đầu tư phát triển liên tục bị cắt giảm. Ông nhìn nhận như thế nào?

- Đây chỉ là một phần, bởi vì vẫn còn những tác động khác mà TP.HCM đã trình với Quốc hội. Ví dụ, khi để lại 18% thì đầu tư công chiếm cao nhất chỉ có 35%, khi muốn kêu gọi nguồn vốn ODA thì phải có vốn đối ứng, hay muốn triển khai PPP cũng phải có vốn mồi.

Đặc biệt, với vốn mồi, khi một đồng ngân sách bỏ ra thì thu về 14 đồng nguồn vốn xã hội, điều này rất quan trọng. Do đó nếu tranh thủ được các nguồn lực, trong đề xuất chúng tôi vẫn giữ nguyên 18% bởi nếu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến trung hạn mà Quốc hội đã thông qua và TP không đề xuất thay đổi.

Nhưng thông qua những cơ chế TP đề xuất thì quy mô GDP sẽ mở rộng hơn, khi đó 18% so với quy mô lớn hơn và phần để lại cho TP lớn hơn.

- Cho TP cơ chế đặc thù, điều đó ảnh hưởng thế nào đến hầu bao ngân khố quốc gia?

- 18% Quốc hội đã quyết thì TP sẽ không động tới, khi tính toán sẽ không ảnh hưởng đến đầu tư trung hạn, không ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô mà Quốc hội đã thông qua.

TP xin cơ chế đặc thù với các nhóm vấn đề từ quản lý đầu tư, đất đai, tài chính, ủy quyền thu nhập... Tôi nghĩ nếu Quốc hội thông qua thì đây sẽ là động lực và tạo ra sự đột phá phát triển cho TP.HCM.

Theo Thắng Quang (Tri Thức Trực Tuyến)