Kinh tế

Chủ tịch nước nêu 3 vấn đề cấp bách của APEC

Chiều 8.11, tại TP.Đà Nẵng đã diễn Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Sumit) với sự chủ trì của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế APEC cùng hơn 2.000 doanh nghiệp.

Chiều 8.11, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) vừa được khai mạc và sẽ kéo dài đến ngày 10.11 tại Cung hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng với sự tham dự của nhiều lãnh đạo, đại diện doanh nghiệp trên thế giới.

CEO Summit là một trong 4 sự kiện quan trọng trong Tuần lễ cấp cao APEC dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và là sự kiện được giới kinh doanh rất trông đợi trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC.

APEC là cơ chế hiệu quả nhất phát triển doanh nghiệp

Lễ khai mạc và phiên họp chiều nay còn có sự tham gia của các lãnh đạo nền kinh tế thành viên và tổ chức uy tín thế giới như ông Roberto Azevedo - Tổng Giám đốc tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Philipp Rosler - Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới, ông Robert E. Moritz - Chủ tịch PwC Toàn cầu…

Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp khu vực với sự tham gia của các nhà lãnh đạo APEC, các tổ chức quốc tế và hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tỏ rõ sự tin tưởng Hội nghị sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác và phát triển với chủ đề: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung".

Chủ tịch nước nêu 3 vấn đề cấp bách của APEC
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị CEO Summit chiều 8.11. (Ảnh: Đình Thiên)

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, sau gần 3 thập niên phát triển, APEC không chỉ chứng kiến nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt của thế giới mà còn là một phần của những thay đổi đó. Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại khu vực, APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo.

“Ngày nay, APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu… Nhờ những đóng góp mang tính quyết định của cộng đồng doanh nghiệp, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu kinh tế năng động, là trung tâm đầu tư, khoa học - công nghệ, đóng góp gần 50% tổng đầu tư, thương mại và gần 60% GDP toàn cầu”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp APEC đóng vai trò tiên phong trong phát triển các ngành công nghệ, năng lượng mới, các hình thức hợp tác kinh doanh, các lĩnh vực thương mại, đầu tư thế hệ mới, đem lại của cải, vật chất dồi dào hơn, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân.

“Đây cũng là khu vực có hơn một nửa trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo sẽ chiếm tỷ trọng gần 70% GDP toàn cầu vào năm 2050. Với quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các nền kinh tế thành viên, APEC có thể vươn cao hơn và đi xa hơn nữa, đem lại sự phồn vinh lớn hơn cho người dân trong khu vực, khẳng định thế kỷ 21 là “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” như dự báo”, Chủ tịch nước nói.

3 vấn đề cấp bách của APEC

Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong nhiều năm qua và đặc biệt qua gần một năm triển khai Năm APEC 2017, Việt Nam đã cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng, triển khai nhiều nội dung hợp tác để thúc đẩy kinh tế số và kinh tế mạng, phát triển bao trùm về tài chính, kinh tế và xã hội. Mục tiêu xuyên suốt là nỗ lực cùng nhau đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển.

Để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, Chủ tịch nước Trần Đai Quang mong muốn cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cùng chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách sau đây:

Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối các chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư thế hệ mới…

Chủ tịch nước nêu 3 vấn đề cấp bách của APEC - 1
Các đại biểu tham dự Hội nghị chiều 8.11. (Ảnh: Nam Cường)

Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển…Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.  

Thứ ba, để hướng tới tương lai chung tốt đẹp hơn, các doanh nghiệp thành viên APEC và khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, chúng ta có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai.

Trong khuôn khổ sự kiện, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ có bài phát biểu vào ngày 9.11. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu vào ngày 10.11.

Theo Đình Thiên - Nam Cường (Dân Việt)