Kinh tế

Chủ tịch FLC: Tôi không định vị Bamboo Airways là hàng không giá rẻ

Ông Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo Airways sẽ cất cánh vào cuối năm 2018 bằng 20 máy bay đi thuê.

Những thông tin về hoạt động của hãng hàng không Bamboo Airways được lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) chia sẻ tại Đại hội cổ đông ngày 12/6.

Một số cổ đông đặt câu hỏi về việc FLC sử dụng nguồn tài chính từ đâu để đảm bảo hoạt động của hãng hàng không Bamboo Airways. Liên quan đến vốn đầu tư của hãng, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC - cho biết, đơn vị này đã đặt cọc tiền cho đơn vị sản xuất, đồng thời có một khoản khác đang gửi tiết kiệm ngân hàng.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, HĐQT và ban giám đốc sẽ có phương án nội tại hoặc dùng vốn vay của các định chế tài chính khác. Hiện nay FLC chưa phát hành cổ phiếu để huy động vốn như hãng hàng không khác.

Ông Trịnh Văn Quyết cũng cho biết, cuối năm 2018, Bamboo Airways sẽ cất cánh với khoảng 20 máy bay đi thuê bởi theo hợp đồng, máy bay đặt hàng với Airbus năm 2019 mới được bàn giao. 

Chủ tịch FLC: Tôi không định vị Bamboo Airways là hàng không giá rẻ
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC. Ảnh: Bloomberg

Về chiến lược của Bamboo Airways, theo ông Quyết, hãng sẽ không định vị mình là hàng không giá rẻ. Thay vào đó, Bamboo Airways muốn là một hãng hàng không truyền thống vừa có dịch vụ siêu cao cấp vừa có dịch vụ giá rẻ. Hãng sẽ có những chuyến bay tới các khu nghỉ dưỡng của FLC và khách hàng không phải trả tiền máy bay, chỉ trả tiền phòng. "Cứ đến sây bay mà nghỉ tại FLC là không mất tiền, thậm chí kể cả bay từ nước ngoài về chứ không chỉ là công dân trong nước", ông Quyết nói.

Cũng tại Đại hội cổ đông 2018, việc thị giá của cổ phiếu FLC thấp, dưới mệnh giá khi công ty kinh doanh tốt cũng được nhiều cổ đông chất vấn. Giải đáp về vấn đề này, ông Trịnh Văn Quyết cũng thừa nhận lời hứa đưa cổ phiếu lên tương đương với mệnh giá ở đại hội năm trước vẫn chưa đạt được. 

“Thực tế năm qua, cổ phiếu FLC có lúc khoảng 8.000 đồng, nhưng chưa vượt được mệnh giá. Điều đó cũng làm cổ đông buồn lòng, tôi rất là chia sẻ, đặc biệt là những cổ đông trung thành với FLC.  Nhiều cổ đông lớn tuổi đã đi cùng chúng tôi 4-5 năm nay rồi, nhưng đến nay chưa được như kỳ vọng”, ông nói. 

Tuy nhiên, ông Quyết cho rằng gần đây thị trường chao đảo, có mã giảm 60-70% nhưng cổ phiếu FLC vẫn không chịu biến động ghê gớm như vậy. Hơn nữa, theo ông, cổ phiếu FLC vẫn được nhiều nhà đầu tư yêu thích khi giao dịch tốt, dễ thanh khoản. 

“Tôi xin khẳng định là một thời gian nữa cổ phiếu FLC sẽ không dừng ở mệnh giá. Tất cả những dự án của FLC đã đang làm đều khả quan, chỉ có giá cổ phiếu chưa vượt được mệnh giá”, ông Quyết trấn an. 

Chủ tịch HĐQT FLC cũng cho biết, đến mỗi kỳ đại hội, so sánh tổng tài sản, doanh thu thì năm sau đều lớn hơn năm trước. Lợi nhuận cũng có điều chỉnh tăng dần, các chỉ số đều đảm bảo kế hoạch kinh doanh cho những năm tiếp theo. Ông cho rằng cổ đông nên tin ban lãnh đạo và tiếp tục giữ cổ phiếu FLC. 

Báo cáo tại đại hội, ông Trần Quang Huy - Tổng giám đốc FLC cho biết tổng doanh thu hợp nhất năm 2017 đạt 12.300 tỷ đồng, đạt gần 95% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 385 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 39% kế hoạch. 

Việc lợi nhuận bị giảm trong năm 2017 không như kế hoạch được ông Huy giải thích là do chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sang căn hộ khách sạn, dịch vụ nghỉ dưỡng. Điều này làm giá vốn bán hàng tăng mạnh từ 4.500 tỷ trong năm 2016 lên hơn 10.000 tỷ trong 2017, khiến lợi nhuận năm 2017 giảm. 

Về kế hoạch kinh doanh năm 2018, FLC đặt mục tiêu 12.500 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 560 tỷ đồng. 

Theo Nguyễn Hà (VnExpress.net)