Kinh tế

Chính phủ thống nhất không tính nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công

Theo Bộ Tài chính, việc đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công đồng nghĩa với việc chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Luật Quản lý nợ công sửa đổi vẫn tính các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công.

Theo Bộ Tài chính, việc đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công đồng nghĩa với việc chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Luật Quản lý nợ công sửa đổi vẫn tính các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công.

Luật hiện hành quy định nợ công gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Bộ Tài chính cho rằng, quy định như hiện nay về phạm vi nợ công là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của nền kinh tế nước ta.

Tuy nhiên, qua tổng kết 6 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công cũng như trong quá trình xin ý kiến của các cơ quan để xây dựng dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi, còn một số ý kiến liên quan đến phạm vi nợ công, như nợ công có bao gồm nợ của doanh nghiệp Nhà nước hay không?

 Nợ của DNNN không được tính vào nợ công nhưng nợ công vẫn bao gồm nợ DNNN do Chính phủ bảo lãnh
Nợ của DNNN không được tính vào nợ công nhưng nợ công vẫn bao gồm nợ DNNN do Chính phủ bảo lãnh

Các đây vài ngày, một hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công về phạm vi nợ công cũng đã được tổ chức tại tỉnh Bình Định với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, giới chuyên gia và các đại biểu Quốc hội.

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết: Dự thảo Luật quản lý nợ công được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành thì phạm vi nợ công bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Đồng thời bổ sung nội dung loại trừ các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước và nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ và nợ lẫn nhau giữa các cấp ngân sách.

Như vậy, cơ cấu nợ công theo quy định của dự thảo luật bao gồm các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh của doanh nghiệp Nhà nước. Đối với vay nợ tự vay tự trả, doanh nghiệp Nhà nước là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật để đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Cũng theo quy định của Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp, trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật.

"Việc đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công đồng nghĩa với việc chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ, một mặt không phù hợp với Luật doanh nghiệp, không đảm bảo tính bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau và không phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Long phân tích.

Theo ông Trương Hùng Long, khảo sát ở 40 nước và nhóm nước, hầu hết các nước đều không tính nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, bao gồm các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc...; các nước thuộc khối đồng tiền chung Châu Âu và hầu hết các nước thuộc Châu Á; các nước có mức tín nhiệm quốc gia tương đồng với Việt Nam (Sri Lanka).

Trên thực tế, trong số 40 nước khảo sát, chỉ ghi nhận 4 nước có tính nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công là Thái Lan, Slovakia, Serbia và Philippines và 4 nước tính nợ doanh nghiệp Nhà nước gộp vào nợ công đều là các doanh nghiệp công ích, thuần túy thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao và có hoạt động thu chi gắn liền với dự toán ngân sách của nước đó.

Theo truyền đạt của ông Mai Tiến Dũng với báo chí, tại phiên họp vừa qua, "các thành viên Chính phủ thống nhất phạm vi nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước, nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế".

Tuy nhiên, dự thảo Luật đã có quy định các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp Nhà nước được tính vào nợ công, tức là dần tiếp cận với thông lệ quốc tế. Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, tinh thần chung là phải sử dụng nợ công hiệu quả hơn, không vượt trần nợ công.

Theo cập nhật từ ông Hoàng Hải - Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, tính đến cuối năm 2016 nợ công của Việt Nam vào khoảng 64,13%GDP, nợ Chính phủ 53,62%GDP. Đóng góp đáng kể vào tỷ trọng nợ công là nợ do Chính phủ bảo lãnh, cuối năm 2016 vào khoảng 10,2%GDP.

Đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04 thay thế Nghị định số 15 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, trong đó, điều chỉnh giảm mức bảo lãnh Chính phủ từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của chương trình, dự án.

Theo Bích Diệp (Dân Trí)