Kinh tế

Chính phủ cho phép thí điểm "xe hợp đồng điện tử GrabCar"

Ngày 19/10, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Bộ GTVT thực hiện Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (GrabCar).

Ngày 19/10, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Bộ GTVT thực hiện Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (GrabCar).

Đề án này không tạo ra một hình thức kinh doanh vận tải mới mà thuần túy chỉ là giải pháp khai thác ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, vận hành kinh doanh vận tải. Theo đó, xe hợp đồng điện tử được lắp thiết bị giám sát hành trình và có phù hiệu “xe hợp đồng” theo đúng quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 63/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Giá cước vận tải của xe hợp đồng điện tử cũng sẽ tương ứng với hiệu quả giảm chi phí quản lý truyền thống nhờ có việc ứng dụng công nghệ thông tin. Việc Chính phủ phê duyệt xe hợp đồng điện tử GrabCar là nhân tố quan trọng thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải hành khách ở Việt Nam để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Đề án thí điểm GrabCar được áp dụng đối với các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng, tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa trong thời gian hai năm.

Việc thực hiện Đề án thí điểm được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, đồng thời tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành Vận tải trong tương lai.
 
>> Taxi Việt Nam: Đắt hơn thành phố đắt đỏ nhất thế giới
 
Theo L.Tươi (Báo Giao Thông)