Kinh tế

Chiết khấu đại lý xăng dầu "cao ngất ngưởng":Dân nhận thiệt thòi!

Tăng chiết khấu hoa hồng cho đại lý, DN đầu mối được lợi đơn, lợi kép

Tăng chiết khấu hoa hồng cho đại lý, DN đầu mối được lợi đơn, lợi kép

Thực tế đã ghi nhận, rất nhiều lần có hiện tượng, trong khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu, giá trong nước đứng im hoặc giảm nhỏ giọt, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đều liên tiếp tăng chiết khấu cho đại lý, đạt tới mức trên dưới 1000 đồng/lít. Mới đây, một đại lý bán lẻ còn tiết lộ mức chiết khấu có thể còn cao hơn nữa, lên tới 1.500 đồng/lít.

PGS.TS Phan Duy Minh, giảng viên Học viện Tài chính đã cho rằng đây là một mức chiết khấu quá cao, mà theo ông nói là “cao bất thường” so với thông lệ.

Doanh nghiệp lợi đơn, lợi kép

Theo PGS.TS Phan Duy Minh, thị trường mua – bán xăng dầu được hình thành dựa trên 3 yếu tố: Thứ nhất là người tiêu dùng; thứ hai, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ và thứ ba là thị trường xăng dầu thế giới.
 

Tăng chiết khẩu, doanh nghiệp đẩy khó cho dân

 
Tâm lý chung của người làm kinh doanh bao giờ cũng mong muốn ít rủi ro nhất, lợi nhuận cao nhất. Người tiêu dùng là đối tượng được nghĩ đến sau cùng và cũng là đối tượng luôn phải gánh chịu những thiệt thòi và rủi ro cho doanh nghiệp. Kinh doanh xăng dầu cũng vậy. Vì vậy, trong bối cảnh gặp rủi ro để đảm bảo được lợi nhuận các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải tìm cách đẩy nó về phía người tiêu dùng. Ngược lại, khi thuận lợi họ sẽ luôn tìm cách co kéo lợi ích về cho mình.

Điều này giải thích vì sao cứ giá xăng thế giới tăng thì giá xăng trong nước cũng lập tức được điều chỉnh tăng. Với cách làm này không những người dùng phải mua giá xăng cao sớm hơn so với độ trễ mà còn bị doanh nghiệp cấu vào quỹ bình ổn do chính họ đóng góp. Tức là người dùng bị thiệt đơn thiệt kép, doanh nghiệp chẳng mất gì.

Ngược lại, khi giá xăng dầu giảm, thay vì phải hạ giá bán trong nước đảm bảo quyền lợi cho người dùng doanh nghiệp đầu mối lại nghĩ ngay tới việc tăng chiết khấu cho đại lý bán lẻ. Cách làm này nhìn qua tưởng là không vấn đề gì và doanh nghiệp đầu mối không được lợi tuy nhiên nó lại là cái lợi rất lớn.

Như đã nói ở trên, thị trường xăng dầu được hình thành từ 3 nhân tố, người tiêu dùng, người kinh doanh và giá xăng thế giới. Dễ dàng nhận thấy, doanh nghiệp đầu mối hay địa lý bán lẻ nói là hai nhưng lại là một. Cái lợi của đại lý cũng chính là cái lợi của doanh nghiệp đầu mối và cuối cùng chỉ có người dân và nhà nước chịu thiệt.

Đầu tiên đứng trên phương diện của đại lý bán lẻ. Nếu doanh nghiệp đầu mối chiết khấu cao cho đại lý bán lẻ từ 500 đồng tăng lên 1000 đồng/lít, doanh nghiệp này nhập vào 1 lít xăng đương nhiên sẽ được lãi trực tiếp 1000 đồng, nhập 2 lít sẽ được lãi 2000 đồng. Càng nhập vào nhiều, đại lý càng lãi nhiều.

Về phía doanh nghiệp đầu mối, đại lý nhập nhiều doanh nghiệp sẽ bán được nhiều. Vừa có được doanh thu vừa đẩy được hàng tồn kho, lại có điều kiện nhập lô xăng mới có giá rẻ hơn.

Nếu theo quy luật kinh doanh, khi doanh nghiệp đầu mối, chi hoa hồng cao để các đại lý tăng nhập hàng, tiếp tục nhập thêm xăng dầu với giá thấp hơn, giải quyết tồn kho cũng có nghĩa là đẩy rủi ro về giá cho đại lý xăng dầu trong trường hợp giá xăng dầu bị điều chỉnh giảm sâu.

Nhưng thực tế rủi ro này đã được đẩy về phía người tiêu dùng vì hầu như lần nào giá xăng thế giới giảm, trong nước lại được điều chỉnh tăng hoặc giảm nhỏ giọt.

Báo cáo của Tổng cục thống kê đã chứng minh điều ông Minh nói là hoàn toàn chính xác. Nếu chỉ số xăng dầu nhập trong quý II/2015 giảm “khủng” tới 37,84% thì trong nước đã có tới 3 lần điều chỉnh đều tăng, từ hơn 16.000 đồng/lít lên gần 21.000 đồng/lít xăng RON 92.

Còn nếu tính từ đầu năm, giá xăng đã có 7 lần điều chỉnh từ đầu năm đến nay, với 3 lần giảm và 4 lần tăng liên tiếp. Riêng trong tháng 5, xăng đã tăng giá gần 3.200 đồng sau 2 lần điều chỉnh, lên trên 20.000 đồng một lít. Nếu so với mức giá cuối năm ngoái thì mức giá xăng hiện tại đang cao hơn khoảng 2.500 đồng/lít.

Trong khi đó, số liệu công bố từ Tổng cục Hải quan cũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, lượng xăng dầu nhập khẩu đã tăng vọt, hơn 23%.

Đáng chú ý hơn, phần chiết khấu cho đại lý không được tính vào lợi nhuận của doanh nghiệp, doanh nghiệp có doanh thu cao nhưng nhà nước cũng không thu được thuế thu nhập của họ. Cách làm "thông minh" này khiến nhà nước và cả người dùng đều bị thiệt còn doanh nghiệp thì lợi đơn, lợi kép.
 
Từ phân tích trên, PGS.TS Phan Duy Minh khẳng định, đó là một nghịch lý trong điều hành, quản lý xăng dầu. Nghịch lý mà vị chuyên gia nói là cái lợi khi giá xăng giảm lẽ đương nhiên phải được trả về cho người dùng thì lại bị chuyển sang cho đại lý. Điều này là quá vô lý, vừa gây thiệt hại cho người dùng vừa gây thất thu cho nhà nước.
 
Chưa nói tới chuyện, mức chiết khấu như vậy là quá cao so với quy định. Theo tính toán mức chiết khấu chỉ cần ở mức từ 300-500 đồng là đủ để cho các đại lý trang trải hết mọi chi phí. Một khi mức chiết khấu càng cao thì người dùng càng thiệt.
 
Trách nhiệm quản lý
 
Đó là bài tính của doanh nghiệp đầu mối nhằm đảm bảo lợi ích cho mình đồng thời cũng là đẩy được rủi ro về phía người dùng.
 
Làm được như vậy, PGS.TS Phan Huy Minh nói rõ phải có một sự đồng thuận hiển nhiên giữa doanh nghiệp đầu mối và đại lý bán lẻ. Trên thực tế, hai đối tượng này vẫn chỉ là một.
 
Đây là kẽ hở, là điểm yếu trong công tác điều hành, quản lý xăng dầu. Theo giải thích của Bộ Công thương, giá xăng và giá dầu thô nhiều lúc không đồng thuận với nhau, có khi giá dầu thô giảm nhưng giá xăng vẫn tăng. Vì vậy, giá xăng trong nước không giảm theo còn là vì cần có độ trễ để điều chỉnh. Ông Minh nói thẳng đó là giải thích không mang tính logic. Thông thường giá xăng có thể được điều chỉnh chậm hơn giá dầu thô nhưng vẫn phải đi theo quy luật chung trong điều hành xăng dầu. Cứ cho sẽ có một độ trễ nhất định, nên khi giá thế giới tăng hoặc giảm, giá xăng trong nước chưa vội tăng – giảm mà cần giữ nguyên giá hiện tại rồi điều chỉnh theo.
 
Nhưng thực tế đã cho thấy có quá nhiều bất cập trong điều hành, quản lý giá xăng dầu thời gian qua mà theo vị chuyên gia ở đây chính là lỗi của cơ quan giám sát, điều hành, quản lý xăng dầu. Trực tiếp chính là Bộ Công thương và Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm trước người dùng và nhà nước.
 
“Nghị định 83 và 84 của Chính phủ đều quy định về cách tính giá xăng dầu và hai bộ này phải chịu trách nhiệm. Trong đó cũng có quy định rất rõ về mức chiết khấu hoa hồng cho các đại lý. Để DN đầu mối tự chiết khấu quá cao, gây thiệt hại cho cả nhà nước và người dân ở đây lỗi rất lớn của cơ quan quản lý”, ông Minh nói.
 
Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, cần phải công khai, minh bạch giá xăng dầu. Tốt nhất giá xăng dầu phải được công bố hàng ngày trên các phương tiện truyền thông. Cách tính giá hiện nay rất tù mù, không ai biết giá cả, lỗ lãi của họ là bao nhiêu. Họ nói con số nào người dân biết con số ấy.
 
Để đảm bảo được quyền lợi chung ông Minh cho rằng tốt nhất là xóa bỏ độc quyền, để xăng dầu, điện, nước đi theo cơ chế điều hành của thị trường. Các nước trên thế giới cung đã làm và Việt Nam không thế đi ngược thế giới.
 
Nhà nước chỉ nên đóng vai trò quản lý. DN kinh doanh được phép kinh doanh và đảm bảo có lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xăng dầu hiện chủ yếu chỉ nhập xăng và mua lại từ nhà máy khác để bán cho người dùng, nên lợi nhuận ở đây không được gọi là lợi nhuận siêu ngạch. Đây là lợi nhuận bình quân trung bình trên thị trường và chỉ giới hạn ở lãi suất từ 10-15% là cùng. Vì thế, giá bán xăng dầu cũng thể tự ý điều chỉnh vô tội vạ.
 
Thứ hai, các đại lý phải để họ hoạt động độc lập, cạnh tranh với nhau. Họ được tự do nhập xăng dầu từ nhiều thị trường không nhất thiết chỉ là một thị trường Singapore. Khi thuế nhập khẩu như nhau, giá cả nhập khẩu cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ được lợi. Người tiêu dùng cũng được lợi.
 
>> Tăng “khủng”, giảm “nhỏ giọt”: Điều hành giá xăng dầu bất công!
>> “Hoa hồng” cho đại lý xăng tới 1.000 đồng/lít: Người dùng gánh thiệt!

Theo Vũ Lan (Đất Việt)