Kinh tế

Chi triệu USD nhập khẩu trâu bò sống, ít có nước nào như VN

Ông Lê Bá Lịch cho biết như vậy trong bối cảnh Việt Nam đang gia tăng nhập khẩu trâu bò sống về giết mổ, nhập khẩu thịt trâu bò, gà đông lạnh tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Ông Lê Bá Lịch cho biết như vậy trong bối cảnh Việt Nam đang gia tăng nhập khẩu trâu bò sống về giết mổ, nhập khẩu thịt trâu bò, gà đông lạnh tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Hiếm có nước nào như Việt Nam!

Theo các doanh nghiệp, ngành chăn nuôi trong nước đang đối mặt với sức cạnh tranh gay gắt từ thịt nhập khẩu với số lượng tăng nhanh. Chỉ 3 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã chi 124 triệu USD, nhập hơn 115.000 trâu bò sống, tăng lần lượt 74,6% về số lượng và 107% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014, trong đó nhập bò từ Úc chiếm lớn nhất đạt 30.000 con (chiếm hơn 26%) lượng nhập.

Ngoài ra, Mỹ và Nhật là hai quốc gia có lượng thịt bò nhập vào Việt Nam khá lớn. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khoảng 34.000 tấn thịt gà đông lạnh tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, năm 2015 thịt bò nhập khẩu sẽ đạt khoảng 300 triệu USD, tăng 50 triệu so với năm 2014 (250 triệu USD) với khối lượng nhập khoảng 39.000 tấn, tăng 20–25% so với cùng kỳ.

Trước đó, vào năm 2014, Việt Nam đã nhập khoảng 150.000 con bò Úc phục vụ người tiêu dùng trong nước, trong đó chưa kể số lượng trâu bò nhập lẻ từ Thái Lan, Lào và Campuchia được dự tính khoảng vài nghìn con.

Tại hội thảo “Phát triển chăn nuôi bền vững, chủ động hội nhập cộng đồng ASEAN và TPP” mới đây, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhận xét, hơn 10 năm trở lại đây, việc chỉ đạo phát triển trâu bò thịt và phát triển đàn thủy cầm rơi vào quên lãng.

"Từ xưa tới nay rất ít, rất ít, rất hiếm có nước nào trên thế giới cho nhập khẩu hàng đàn vài trăm nghìn con trâu bò sống vào lãnh thổ nước mình để giết thịt”, ông Lịch nói.

Theo nhận xét của ông Lịch, ngành chăn nuôi là ngành chuyên môn sâu nhưng tổ chức hệ thống chỉ đạo ngành chưa chặt chẽ từ trên xuống cơ sở, các doanh nghiệp, trang trại vẫn “tự bơi”.

Cơ sở vật chất quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi chưa có, chưa đầu tư, lạm dụng “xã hội hóa” sử dụng phòng phân tích tư nhân trong xã hội, kết quả nhiều sai khác, làm khó cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Lịch cũng nhấn mạnh điểm “không giống ai” của ngành chăn nuôi Việt Nam là việc kiểm soát chất lượng, kiểm soát chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, trong phối trộn vào thức ăn, pha vào nước uống không được tập trung thay vào đó lại tập trung kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu.

"Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận suốt đời nhập thịt bò, sữa bò trong khi gạo ế, giá xuất khẩu thấp, đường không cạnh tranh được, dưa hấu chở lên biên giới Việt - Trung đổ đi…. mà để thiếu thịt đỏ nghiêm trọng, phải nhập bò sống về giết mổ”, ông Lịch gay gắt.

Thịt ngoại được lòng người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Lịch chỉ thẳng, đây là trách nhiệm tổ chức sản xuất, bố trí quỹ đất chưa hợp lý, không lẽ hàng năm cứ chi hàng tỷ đôla nhập thịt bò, thịt gà, nội tạng về tiêu thụ nội địa mãi mãi.

"Nếu tái cơ cấu ngành chăn nuôi không xác định đúng hướng và tổ chức đầu tư sản xuất chăn nuôi không hợp lý, không quyết liệt chỉ đạo, ngành chăn nuôi sẽ gặp bế tắc và việc tiếp tục ăn thịt, ăn trứng, uống sữa nước ngoài là việc khó tránh khỏi”, ông Lịch đưa ra dự báo.

Doanh nghiệp nội khó tồn tại

Trước thực tế trên, bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung Tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, dù thuế nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm vẫn còn thì ước tính trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 400 triệu USD thịt các loại mà nguyên nhân Việt Nam nhập nhiều thịt không phải do chăn nuôi trong nước không đáp ứng được mà do giá thịt ngoại cạnh tranh hơn.

Do đó, bà Tâm cho biết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương còn chưa có hiệu lực mà thịt ngoại đã xâm nhập vào từng bếp ăn trong các gia đình. Vậy, khi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực, khi thuế nhập khẩu thịt giảm dần về 0%, các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu sẽ ồn ạt tràn vào Việt Nam.

"Cả người chăn nuôi lẫn các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nội đều sẽ khó tồn tại nếu không liên kết theo chuỗi sản xuất", bà Tâm cho hay.

Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) từng cho biết, nếu ký xong TPP mà thuế nhập khẩu thịt còn 0% thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chết, nhà máy thức ăn gia súc chết theo.

Theo ông Bình giải thích trong ngành chăn nuôi, sức cạnh tranh của Việt Nam rất kém. Từ heo nái đến heo thịt, năng suất chăn nuôi heo của Việt Nam chỉ bằng khoảng 30% các nước tiên tiến nên giá thành rất cao.
 
Theo N.Thảo (Bizlive.vn)