Kinh tế

Các nước đau đầu với bài toán lương tối thiểu

Tăng lương tối thiểu chưa chắc đã giúp ích cho người lao động, mà lại có thể trở thành khoản thuế đánh lên chính đối tượng nó muốn hỗ trợ.

Tăng lương tối thiểu chưa chắc đã giúp ích cho người lao động, mà lại có thể trở thành khoản thuế đánh lên chính đối tượng nó muốn hỗ trợ.
Khi giá tăng, nhu cầu ắt sẽ giảm. Một trong những ví dụ cho điều đó là giá nhân công. Tăng mạnh lương tối thiểu sẽ là một canh bạc với tương lai của tất cả mọi người.

Ấn định lương tối thiểu ở mức thấp dường như sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu lao động. Rất nhiều nghiên cứu tại Mỹ và châu Âu đã chỉ ra, nếu ở mức thấp (dưới 50% lương trung bình của lao động toàn thời gian), lương tối thiểu sẽ không khiến nhiều người mất việc.

Khi Anh chốt lương tối thiểu mới năm 1998, rất nhiều người bi quan đã dự báo tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Nhưng trên thực tế, thị trường việc làm vẫn rất ổn định. Do lương tối thiểu tăng đã níu chân nhân viên ở lại công ty. Nó còn giúp tăng năng suất lao động và giảm tỷ lệ nhảy việc, do nhân viên biết coi trọng công việc của mình hơn.

Công nhân một nhà máy may ở Los Angeles (Mỹ). Ảnh: WSJ

Được khuyến khích bởi trường hợp này, rất nhiều nước sau đó đã kêu gọi thiết lập lương tối thiểu hào phóng hơn. Tại Mỹ, các nhà hoạt động muốn lương tối thiểu liên bang tăng hơn gấp đôi, từ 7,25 USD lên 15 USD mỗi giờ, tương đương 77% thu nhập trung bình theo giờ. Chiến dịch này đã phần nào thành công. Hồi tháng 7, một số thành phố lớn, trong đó có New York, đã lên kế hoạch lương tối thiểu 15 USD.

Tại Anh, đảng Bảo thủ cầm quyền đã thắng trong cuộc chiến nâng lương tối thiểu từ 47% lên 54% lương trung bình. Theo đó, từ năm 2020, lương tối thiểu tại đây sẽ là 9 bảng mỗi giờ. Con số này sẽ tăng dần theo từng năm, bắt đầu từ tháng 4 năm sau. Đức cũng vừa áp dụng chính sách lương mới, mà họ cho là hợp lý, bằng 62% lương trung bình tại khu vực phía Đông vốn nghèo hơn phía Tây.

Myanmar hôm 29/8 cũng lần đầu áp dụng lương tối thiểu ở mức 2,8 USD một ngày đối với các lao động toàn thời gian. Động thái này nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực dệt may đang lên. Để ra được con số này, công đoàn và các chủ nhà máy may đã phải tranh cãi suốt 2 năm nay.

Dù vậy, khi tăng mạnh lương tối thiểu, các nhà hoạch định chính sách đã tự đẩy mình vào một màn sương mờ. Chưa ai nghiên cứu được chính xác ảnh hưởng trong dài hạn của lương tối thiểu thấp. Và cũng chẳng ai biết nếu tăng mạnh thì chuyện gì sẽ xảy ra, và vào lúc nào. Sẽ thật bất cẩn khi cho rằng nếu lương tối thiểu thấp dường như vô hại, thì lương cao hơn nhiều sẽ có hại.

Nhưng một nguy hiểm rõ ràng là lương tối thiểu cao sẽ khiến nhiều nhân viên bị đẩy khỏi lực lượng lao động vĩnh viễn. Một công nhân xây dựng mất việc trong suy thoái vẫn có thể hy vọng tìm được việc mới khi kinh tế khá lên. Nhưng một thu ngân chỉ có vài kỹ năng cơ bản, thì sau khi lương tối thiểu tăng, họ sẽ hoàn toàn là một nhân lực đắt đỏ so với các máy thanh toán tự động.

Chính phủ Anh vẫn bảo vệ chính sách mới của họ với lý do một nền kinh tế mạnh sẽ tạo ra đủ việc làm để thay thế những người bị mất việc vì tăng lương tối thiểu. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng việc làm vẫn sẽ bị mất mà thôi. Đó là lý do vì sao nhà kinh tế học người Mỹ - Milton Friedman coi lương tối thiểu là một dạng phân biệt đối xử với công nhân tay nghề thấp.

Hiện tại là thời điểm tệ nhất để tăng chi phí nhân công. Tiến bộ công nghệ đang cho phép các công ty thay thế ngày càng nhiều người bằng máy tính và robot khi làm việc. Một số vị trí tay nghề thấp, như dọn vệ sinh, rất khó để tự động hóa. Tuy nhiên, hàng triệu người khác đang làm thu ngân, lễ tân, lựa đồ trong các dây chuyền sản xuất và thậm chí là lái xe tải, đều có thể bị thay thế.

Tăng lương tối thiểu sẽ càng khiến các công ty có lý do đầu tư vào công nghệ để thay nhân lực. Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến lao động trong các ngành có sự trao đổi quốc tế, như du lịch hay sản xuất, do để mất sân chơi vào tay đối thủ nước ngoài.

Điều mỉa mai là lương tối thiểu không hề là biện pháp tốt để chống lại đói nghèo. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết chỉ 20% lợi ích của việc tăng lương có thể đến với những người sống dưới chuẩn nghèo. Còn tại Anh, chính sách này sẽ giúp 10% hộ gia đình giàu nhất nước hưởng lợi nhiều hơn là 10% người nghèo nhất, do rất nhiều lao động thu nhập thấp chỉ là người kiếm tiền phụ trong gia đình.

Hơn nữa, lương tối thiểu không hề miễn phí. Sẽ có người phải trả cho khoản này. Và đó là các công ty. Nếu chi phí bị dồn xuống người tiêu dùng, lương tối thiểu lại thành ra một khoản thuế, đánh mạnh nhất lên những người nghèo.

Economist cho rằng các nước có thể tìm đến các biện pháp khác hay ho hơn. Đó là miễn giảm thuế cho người thu nhập thấp. Theo cách này, 75% lợi ích sẽ thuộc về người lao động. Các công ty cũng nên được khuyến khích thuê nhân lực tay nghề thấp, thay vì mua máy móc. Do lương tối thiểu sẽ có sức hấp dẫn rất lớn cả về chính trị và tinh thần.

Tuy nhiên, tạp chí này cho rằng các Chính phủ nên làm việc theo thực tế, chứ không nên theo cảm tính. Lương tối thiểu chỉ có thể là chính sách có ích nếu chúng ở mức vừa phải. Còn nếu quá cao, nó sẽ làm tổn thương đến chính những người họ muốn giúp.

>> Tranh cãi gay gắt về tăng lương tối thiểu
Theo Hà Thu (VnExpress.net)