Kinh tế

Các đồng tiền mạnh sẽ ra sao nếu chiến tranh thương mại nổ ra?

Thị trường ngoại hối dường như đã bị thuyết phục về khả năng khó có thể xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại trên toàn cầu, mặc dù có nhiều dự đoán về mức độ chịu ảnh hưởng mạnh của một số đồng tiền.

Các đồng tiền mạnh sẽ ra sao nếu chiến tranh thương mại nổ ra?
Ảnh minh họa

Theo Reuters, việc chính quyền Tổng thống Trump đe doạ đánh thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại về những đòn trả đũa từ Bắc Kinh, song nó có chỉ tác động nhẹ đến các thị trường, vốn đang ở mức cao trong nhiều năm nhờ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được cải thiện.

Bộ trưởng tài chính của 20 cường quốc đang nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina. Các nhà quản lý tiền tệ lúc này đang quan tâm tới việc những động thái ngoại giao cũng như những bất đồng mới đây sẽ ảnh hưởng như thế nào tới quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia khác, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp mức thuế mới đối với nhôm thép nhập khẩu vào Mỹ.

Nhìn lại lịch sử thì dường như các đồng tiền biến động mạnh khi các xung đột thương mại nổ ra. Mức thuế nhập khẩu khá thấp mà chính quyền của Tổng thống Obama áp lên mặt hàng thép Trung Quốc vào tháng 5/2016 đã đẩy chỉ số ICE U.S. Dollar (DXY) giảm hơn 2% trong vòng một tháng.

Tương tự, trong vòng ba tháng kể từ khi chính quyền của Tổng thống George Bush áp thuế đối với thép nhập khẩu từ EU vào tháng 3/2002, đồng bạc xanh cũng đã giảm 6%.

Các cuộc đụng độ về thương mại mới đây diễn ra khi biến động tiền tệ toàn cầu giảm sau khi bật tăng từ mức thấp trong nhiều năm vào tháng 2 vừa qua. Theo chỉ số biến động của Deutsche Bank (DBCVIX), mức độ biến động vẫn thấp hơn so ghi nhận ở những tháng gần đây. Điều đó khiến các nhà đầu tư không ngừng tìm kiếm những dấu hiệu cảnh báo sớm về một biến động giá mạnh ở diện rộng trên thị trường tiền tệ.

Một số loại tiền tệ đã có những biến động như mong đợi khi tự do thương mại bị đe doạ: đồng đô la Canada suy yếu và yên Nhật tăng giá, nhưng những thay đổi này vẫn còn khá hạn chế.

Theo ông Russell Silberston, Giám đốc danh mục tiền tệ tại công ty quản lý tài sản Investec, khả năng nổ ra chiến tranh thương mại hiện giờ vẫn chỉ dừng lại ở mức bàn tán. Rất khó có thể định lượng rõ ràng về cách nó nổ ra, như thể là thị trường đang phớt lờ cuộc chiến. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng viễn cảnh của một cuộc chiến tranh thương mại đang là rủi ro lớn đối với thị trường toàn cầu.

Nếu chiến tranh thương mại nổ ra, hậu quả về mặt tiền tệ sẽ rất nghiêm trọng. Bởi lẽ chính sự biến động thấp của thị trường hiện nay khiến các nhà đầu tư chấp nhận những chiến lược đầu tư với mức độ mạo hiểm cao. Đơn cử như việc đầu cơ trên thị trường tiền tệ đang ở mức cao trong nhiều năm.

“Tôi vẫn ngạc nhiên khi chưa thấy các đồng tiền châu Á phản ứng lại. Phải chăng là chúng vẫn đang chờ đợi sự trả đũa của Trung Quốc”, ông Richard Benson, đồng Giám đốc danh mục đầu tư tại quỹ quản lý đầu tư tài chính Millennium Global ở London, nhận định.

“Sẽ có những biến động đáng kể đối với thị trường. Chúng ta đang nói về những đồng tiền của châu Á vốn đang ở đỉnh nhiều năm. Không nguy cơ bảo hộ nào được ghi nhận”, ông Benson nói thêm.

Ông Benson tin rằng đồng tiền của các nền kinh tế xuất khẩu lớn tại châu Á hứng chịu nguy cơ biến động lớn nhất, như đồng won của Hàn Quốc, đồng đô la Đài Loan, và đồng đô la Australia. Đây là những đại diện cho sự tăng trưởng kinh tế của châu Á.

Đồng won và đồng đô la Singapore, một đồng tiền khác cũng chịu ảnh hưởng bời dòng chảy thương mại toàn cầu, hiện đang giao dịch gần mức mạnh nhất so với đồng đô la Mỹ trong hơn ba năm qua.

Trong khi đó, so với đồng tiền của các quốc gia phát triển đồng crown của Thuỵ Điển sẽ phải chịu tác động lớn. Các chiến lược gia của tổ chức tài chính toàn cầu ING đã chỉ ra rằng Thuỵ Điển là nền kinh tế mở thứ hai trong số các nền kinh tế thuộc nhóm 10 nước giàu nhất thế giới (G10), dựa trên tỷ trọng thương mại và sản lượng kinh tế.

Còn ngân hàng đầu tư Merril Lynch, thuộc Bank of America, lại cho rằng đồng đô la Canada sẽ chịu tác động lớn nhất, đồng đô la Mỹ và New Zealand cũng ít nhiều chịu tổn thất. Trong khi đó, đồng franc Thụỵ Sỹ và đồng euro sẽ tăng mạnh.

Đồng USD sẽ ra sao?

Nhiều người hiện tin rằng thế giới sẽ vượt qua được tác động từ thuế quan mà ông Trump đưa ra bởi lẽ sự phục hồi bền vững của thương mại đã và đang là điểm tựa cho tăng trưởng toàn cầu, với tốc độ tăng mạnh nhất trong vòng sáu năm qua.

Trong khi các chính phủ thường có động thái bảo vệ nền công nghiệp nội địa khi tăng trưởng gặp khó, thì thuế quan mà ông Trump đặt ra ở thời điểm khi mà các nền kinh tế đầu tàu của thế giới như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang bùng nổ.

Một cách giải thích khác cho quan điểm về sự ổn định tiền tệ đó là nhiều nhà quan sát không tin rằng ông Trump sẽ triển khai tất cả những điều mà ông đã đe doạ. David Bloom, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tiền tệ toàn cầu tại ngân hàng HSBC, cho rằng rằng giới lãnh đạo Mỹ có thể coi đồng USD yếu là một giải pháp dễ dàng hơn cho việc cắt giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ hiện nay.

Vậy sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ có ý nghĩa gì đối với đồng đô la?

Trong ngắn hạn, đồng đô la có thể suy yếu, đặc biệt khi so với đồng euro và đồng yên. Thế nhưng nếu như tăng trưởng toàn cầu chững lại hay thị trường tiền tệ bị bán tháo trên diện rộng, lúc này đồng đô la sẽ hưởng lợi từ vị thế của nó là đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Đồng yên tăng giá

Các nhà đầu tư ít nhất cũng đồng quan điểm rằng đồng yên Nhật đang và sẽ tăng giá, nhờ tài khoản vãng lai thặng dư lớn của Nhật Bản và từ lâu này đồng tiền này vẫn được coi là một “nơi trú ẩn an toàn”, nhờ vào hàng nghìn tỷ USD mà các nhà đầu tư Nhật Bản đã đổ vào tài sản ở nước ngoài.

“Nếu như chiến tranh thương mại nổ ra, đồng yên sẽ sự lựa chọn trú ẩn tiền tệ an toàn”, ông Manuel Oliveri, chuyên gia chiến lược ngoại hối của tập đoàn ngân hàng Crédit Agricole, Pháp, nhận định.

Đồng yên đã tăng 6% trong năm nay và hiện đang giao dịch ở mức cao nhất so với đồng bạc xanh trong gần 1 năm rưỡi trở lại đây, một phần nhờ những kỳ vọng vào việc Ngân hàng trung ương Nhật sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu quy mô lớn của mình.

BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã tiến hành phân tích phản ứng tức thời của thị trường liên quan tới sáu sự kiện rủi ro thương mại lớn trong vòng 15 năm qua và đi tới kết luận rằng, vàng và đồng yên có xu hướng tăng trưởng tốt hơn cả.

Trong một lưu ý khác, công ty này gọimột cuộc chiến tranh thương mại là rủi ro phá vỡ thị trường “gây tranh cãi nhất” năm 2018.

Theo Xuân Quỳnh (Bizlive.vn)