Kinh tế

Các chiêu thâu tóm đất vàng ở thủ đô Hà Nội

Dù các DN bất động sản tuyên bố không mặn mà với đất vàng Hà Nội, nhưng thực tế hàng chục nhà máy, xí nghiệp sau vài năm cổ phần hóa đã nhường chỗ cho các dự án chung cư cao tầng.

 

Dù các DN bất động sản tuyên bố không mặn mà với đất vàng Hà Nội, nhưng thực tế hàng chục nhà máy, xí nghiệp sau vài năm cổ phần hóa đã nhường chỗ cho các dự án chung cư cao tầng.

Một số doanh nghiệp (DN) trong cuộc phản ánh, mới đầu nhận dự án tưởng là “béo bở”, nhưng khi làm có thể lại thua lỗ do vấp phải vấn đề giá bồi thường cao hoặc bị khống chế số tầng…

Nhiều DN “giả vờ” không thiết tha, mặn mà gì, nhưng trên thực tế họ lại lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt giành đất vàng.

Cùng  điểm lại những vụ thâu tóm đất vàng đình đám nhất ở Hà Nội:

Thâu tóm đất vàng Nguyễn Trãi dưới mác hợp tác kinh doanh

Cac chieu thau tom dat vang o thu do Ha Noi hinh anh 1
SRC không thể bán đứt đoạn khu đất vàng ở Nguyễn Trãi cho Hoành Sơn mà phải lách luật dưới hình thức hợp tác kinh doanh. Ảnh: Báo Đấu thầu

Vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoành Sơn đã gây xôn xao dư luận khi bỏ ra 435 tỷ đồng để hỗ trợ di dời nhà máy cao su Sao Vàng khỏi đất vàng 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân).

Sau đó, CTCP Cao su Sao Vàng cùng Hoành Sơn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng- Hoành Sơn để đầu tư phát triển khu hỗn hợp, bao gồm TTTM- Dịch vụ- Văn phòng- Căn hộ cao cấp để bán và cho thuê tại chính khu đất này.

Khu đất của SRC tại 231 Nguyễn Trãi có diện tích 6 ha do Nhà nước làm chủ sở hữu. Vì vậy SRC không thể bán đứt đoạn cho Hoành Sơn, mà phải lách luật dưới hình thức hợp tác kinh doanh.

Như một lẽ tất yếu, không chỉ chi 435 tỷ đồng cho SRC mà Hoành Sơn sẽ còn phải chi một lượng tiền rất lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng để có thể triển khai dự án trung tâm thương mại, nhà ở tại đây.

Để cư dân lên tiếng "giành" đất vàng 93 Láng Hạ

Cac chieu thau tom dat vang o thu do Ha Noi hinh anh 2
Nhiều khu đất vàng ở Láng Hạ thuộc sở hữu của Vinaconex. Ảnh: Vietnamnet 

Tháng 3 vừa qua, đất vàng 93 Láng Hạ rộng 5.000m2 đã có chủ mới sau nhiều năm Công ty BĐS An Thịnh không thể triển khai dự án được thành phố cho phép tại đây.

Cuộc đua tranh thâu tóm An Thịnh diễn ra quyết liệt khi có sự tham gia của nhiều ông lớn như Hà Đô Group, Vinaconex 2, CTCP Vimeco (VMC) và CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Vinaconex (IUC),...

Đến nay, Vinaconex đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để trở thành cổ đông lớn và là công ty mẹ của BĐS An Thịnh.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của VC2 mới diễn ra, ông Nguyễn Trọng Quỳnh - Chủ tịch HĐQT VC2, đồng thời cũng là Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết, chính ông là người "đạo diễn" của thương vụ thâu tóm "đất vàng" 93 Láng Hạ.

Cụ thể, Vinaconex đã để cho 3 công ty con là VC2, VMC và Vinaconex IUC đứng ra đàm phán lại với An Thịnh. Cùng với đó, theo ông Quỳnh, cư dân tại chung cư cũ 93 Láng Hạ đã họp và yêu cầu An Thịnh phải thực hiện dự án này cùng Vinaconex nếu không sẽ áp dụng theo quy định mới về cải tạo chung cư cũ (Nghị quyết 101 có hiệu lực từ cuối năm 2015) để chọn nhà đầu tư khác.

Cuối cùng, dù đối thủ HDG đưa ra mức giá cao hơn, nhưng các cổ đông của An Thịnh đã phải thực hiện chuyển nhượng với Vinaconex.

Tới đây, cùng với việc “san bằng” khu tập thể 97 Láng Hạ, nơi này sẽ mọc lên một tòa nhà hỗn hợp gồm chung cư văn phòng 27 tầng nổi (7 tầng văn phòng và 20 tầng chung cư), 3 tầng hầm và 1 tầng kỹ thuật, dịch vụ. Chủ đầu tư cho biết sẽ dành 66 căn hộ ở đây để bố trí tái định cư, còn lại số căn hộ kinh doanh kiếm lời là 124 căn hộ.

“Bắt nợ” để có trong tay đất vàng 35 Tràng Tiền?

Cac chieu thau tom dat vang o thu do Ha Noi hinh anh 3
Hiện số phận khu đất vàng ở Tràng Tiền vẫn còn là ẩn số, nhưng có đồn đoán rằng nó đã thuộc về tay Tập đoàn Hoàng Phát VISSAI. Ảnh: Thời báo tài chính. 

Năm 2011, đại gia Hà Văn Thắm (lúc đó là Chủ tịch Ocean Group) cho biết, sẽ đầu tư dự án căn hộ hạng sang tại khu đất 35 Tràng Tiền (Hà Nội)… Sau khi ông Thắm dính lao lý, Tập đoàn Hoàng Phát VISSAI được cho là đã “nhảy vào” thương vụ thâu tóm Công ty CP Kem Tràng Tiền.

Tháng 5/2015, trên website, Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát VISSAI (VISSAI Group) bất ngờ cập nhật thêm dự án Trung tâm thương mại – Dịch vụ số 35 Tràng Tiền (Hà Nội). Theo giới thiệu, dự án có tổng mức đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng, với 6 tầng thương mại, dịch vụ và giải trí (2 tầng hầm). Tổng diện tích dự án lên tới 2.000 m2 và nằm tại khu đất “vàng” 35 Tràng Tiền.

Dù thông tin này đã nhanh chóng bị gỡ bỏ không lâu sau đó, nhưng có ý kiến cho rằng có thể toàn bộ cổ phần Kem Tràng Tiền do Công ty CP khách sạn và dịch vụ Đại Dương sở hữu (78,4%) được mua bằng nguồn tiền vay nợ của Hoàng Phát VISSAI.

Nói cách khác, trong cơn nguy khốn của Tập đoàn Đại Dương và đại gia Hà Văn Thắm, thì Hoàng Phát VISSAI bị đồn đoán là đã tiến hành “bắt nợ” toàn bộ số cổ phần Kem Tràng Tiền, thâu tóm khu đất vàng này để đầu tư dự án trung tâm thương mại-dịch vụ tại đây với mức vốn 1.000 tỷ đồng.

 

Trao đổi với PV, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, chuyện người ta đang cố tình chen vào các khu đất vàng sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để chuyển sang làm đất ở, kiếm lời là có thật.

Theo GS Đặng Hùng Võ, có nhiều cách để sở hữu đất vàng. Có thể họ sẽ cố gắng mua thật nhiều cổ phần từ các cán bộ, công nhân trong nội bộ DNNN hoặc từ những người trước đây đã mua được khi cổ phần hóa DN nhà nước phát hành ra.

Để sở hữu mảnh đất đó, họ phải trở thành người chiếm hơn 50% cổ phần. Khi đó, họ sẽ giành được quyền quyết định số phận mảnh đất đó theo mục đích riêng của họ.

“Chỉ cần có trên 51% cổ phần là họ có quyền quyết định. Nhưng vấn đề là họ quyết định bằng cách gì? Theo tôi, có khi người ta cũng phải chạy dự án, chạy quy hoạch chứ nếu đúng quy hoạch thì không cần bàn”, GS nói.

Còn một cách nữa theo GS Đặng Hùng Võ là họ giải quyết vấn đề ngay khi cổ phần hóa DN dưới dạng nhà đầu tư chiến lược tương tự những gì đã xảy ra với xưởng phim truyện Hà Nội.

“Bản thân khung pháp luật của chúng ta về cổ phần hóa DNNN đang có vấn đề về quyền sử dụng đất và đó chính là cơ sở để người ta tham nhũng công khai, chuyển tài sản của nhà nước vào túi của mình”, GS nêu quan điểm.

Ông đánh giá, lỗ hổng pháp lý thứ hai chúng ta đang gặp phải đó là việc định giá DNNN. Hiện nay chúng ta vẫn định giá những tài sản vô hình như lợi thế cạnh tranh, những tài sản mang tính sở hữu trí tuệ, sở hữu thông tin kể cả quyền sử dụng đất thuê…không phù hợp với chuẩn mực quốc tế về định giá.

Hơn nữa, thành phố chưa có quy hoạch cụ thể với các khu đất vàng. Nhiều nơi lẽ ra nên trở thành công viên hoặc khu giải trí công cộng sẽ tốt hơn cho phát triển đô thị.

“Chúng ta vẫn chưa làm được điều này. Hà Nội vẫn chịu áp lực rất lớn của việc sử dụng sai mục đích các khu đất vàng ở đô thị. Chúng ta cứ nhăm nhăm chịu áp lực của những người có tiền để chuyển các khu đất đó sang thành đất làm nhà ở để bán”, GS nói thêm.

Và đó chính là lý do hàng chục nhà máy, xí nghiệp sau vài năm cổ phần hóa đã nhường chỗ cho các dự án chung cư cao tầng.

“Nếu không phù hợp quy hoạch, các tòa chung cư cao tầng đó sẽ là hạ tầng phá vỡ sức tải không gian tại đó, thậm chí là nút thắt đô thị”, GS Đặng Hùng Võ khẳng định.


Theo Kiều Vui (Zing.vn)