Kinh tế

'Bom tấn' 5.500 tỷ vừa gây chấn động đầu năm 2018

Cuộc đua đã dần sáng tỏ với cái giá tỷ USD đã được xác lập. Đây chắc chắn là một bài toán khó cho đại gia Việt trước những ông lớn hàng đầu thế giới.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), ngày 17/1 Công ty TNHH MTV Lọc-Hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã bán đấu giá thành công hơn 240 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tương đương 7,79% vốn điều lệ.

Mức giá trúng thầu bình quân đạt 23.043 đồng, cao hơn gần 60% so với giá tham chiếu, giúp Nhà nước thu về hơn 5.566 tỷ đồng.

Với mức giá này, BSR được các nhà đầu tư trong nước định giá ở mức khoảng 3 tỷ USD. Đây cũng là cơ sở cho cuộc đua để các đại gia muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược, nắm giữ tới 49% cổ phần Lọc-Hóa dầu Bình Sơn.

Cho đến nay, theo các thông tin từ BSR, hàng loạt các tập đoàn lớn nước ngoài và cả doanh nghiệp trong nước đang xếp hàng muốn mua toàn bộ 49% cổ phần BSR, tỉ lệ tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Một số đại gia ngoại có thể kể đến như: Repsol (Tây Ban Nha), World Petroleum (Mỹ), Kevcomp (Mỹ), Polestar (Mỹ), Macron (Nam Phi), SNT (Mỹ),... Tổng cộng có khoảng 20 nhà đầu tư muốn mua cổ phần BSR từ 40% trở lên.

'Bom tấn' 5.500 tỷ vừa gây chấn động đầu năm 2018

Trước đó, Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Gazprom của Nga, PTT - công ty lớn nhất của Thái và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Kuwait cũng từng được biết có ý định mua cổ phần của Dung Quất.

Bên cạnh đó, 2 tập đoàn lớn trong nước bao gồm Petrolimex và Tín Thành cũng có ý định mua cổ phần BRS.

Tín Thành Group là đơn vị duy nhất có quy mô nhỏ bé trong cuộc chạy đua thâu tóm BSR. Theo thông tin từ BSR, Tập đoàn Tín Thành muốn trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 55% trong khoảng 12 sau khi BSR thực hiện IPO.

Với mức giá hiện nay, Tín Thành Group có thể phải bỏ ra hơn 1,5 tỷ USD. Đây là một con số quá lớn so với quy mô vốn vỏn vẹn 200 tỷ đồng của tập đoàn trong nước này.

Như vậy, trong 3 ông lớn trực thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam IPO trong tháng 1/2018, BSR đã thành công. Trong ngày 25/1 tới PV Oil và tới 31/1 PV Power cũng sẽ tiến hành IPO. Đây đều là những doanh nghiệp lớn và sẽ giúp thị trường mở rộng về mặt quy mô.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung sau nhiều tuần liên tục lập kỷ lục 10 năm mới, VN-Index điều chỉnh giảm rất mạnh trong phiên 17/1 do giới đầu tư chốt lời và e ngại trước kế hoạch siết margin của nhà quản lý thị trường.

Nhóm dầu khí chịu áp lực bán mạnh và đồng loạt giảm sâu. Nhóm bất động sản, xây dựng, chứng khoán cũng giảm mạnh.

Theo CTCK BVSC, sau phiên lao dốc mạnh, chỉ số VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng điều chỉnh ngắn hạn. Các phiên hồi phục xen kẽ có thể sẽ sớm diễn ra nhưng sự phân hóa sẽ là xu hướng chủ đạo của thị trường trong các phiên sắp tới.

SHS cho rằng, quán tính giảm điểm của VN-Index có thể tiếp tục để chỉ số lui về kiểm định ngưỡng tâm lý gần nhất tại 1.030 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn đang nắm giữ cổ phiếu có thể tận dụng những nhịp hồi phục để đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/1, VN-index giảm 28,27 điểm xuống 1.034,69 điểm; HNX-Index giảm 1,17 điểm xuống 120,42 điểm. Upcom-Index tăng 0,23 điểm lên 58,09 điểm. Thanh khoản đạt 430 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 10,1 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

Theo V. Hà (VietNamNet)