Kinh tế

Bỏ xăng A95 - đề xuất mang tính ép người tiêu dùng?

Đề xuất bỏ xăng A95 của Saigon Petro vấp phải sự phản đối quyết liệt vì nhiều người cho rằng nó làm mất tính thị trường trong khi hiệu quả xăng sinh học còn nhiều tranh cãi.

Cầm trên tay tờ báo buổi sáng, anh Nguyễn Nam, nhân viên một cây xăng ở Hà Nội, không khỏi bất ngờ về đề xuất “khai tử” xăng RON 95 được in đậm trên trang nhất. Đề xuất này khiến anh không khỏi băn khoăn, khi nhìn dòng xe xếp hàng ở trụ bơm xăng A95 trong khi trụ E5 lác đác người.

Trước kia, cây xăng nơi anh Nam làm việc có 4 trụ bơm, 3 trụ là xăng A92 và 1 trụ là A95. Từ 1/1, cả 3 trụ xăng A92 được chuyển đổi sang E5. Tuy nhiên, chứng kiến xăng A95 duy nhất luôn quá tải khách, trong khi những trụ E5 không nhiều khách chọn khiến chủ cây xăng phải chuyển đổi để “chiều theo thị trường”.

Bây giờ, tỷ lệ vẫn là 1:3, nhưng là 3 trụ bơm A95 và 1 trụ bơm xăng E5. “Chả có cây xăng nào ở khu trung tâm Hà Nội lại phí phạm diện tích nhỏ hẹp để ưu tiên những trụ bơm vắng khách, trong khi nhu cầu xăng A95 tăng lên”, anh Nam nói.

Vì E5 mà có những đề xuất “trên trời”?

Là một người trong ngành, anh Nam vừa cảm thấy khó hiểu và vừa phần nào đồng cảm với liên tục các đề xuất của Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP.HCM (Saigon Petro). Quan điểm cá nhân của anh Nam là mọi đề xuất của Saigon Petro đều xuất phát từ áp lực bán được xăng E5.

Bỏ xăng A95 - đề xuất mang tính ép người tiêu dùng?
Sau đề xuất cho bán lại A92, Saigon Petro lại đề xuất sớm triển khai bán xăng E5 RON 95 thay thế A95. Ảnh:

Chỉ khoảng 3 tháng sau khi cả nước chuyển đổi bỏ xăng A92 sang sử dụng xăng E5, Saigon Petro đã có đề xuất gây xôn xao, là mong muốn quay trở lại bán A92. Lãnh đạo doanh nghiệp này sau đó phủ nhận, cho rằng đó là đề xuất cá nhân, không phải của tập thể doanh nghiệp. Nhưng người tiêu dùng thì phần nào hiểu được ở đâu đó, các doanh nghiệp đã không mặn mà với việc bán E5.

Một tháng sau đề xuất bán lại A92, Saigon Petro tiếp tục than khó việc bán xăng E5 tới lãnh đạo Bộ Công Thương, và đề xuất loại hẳn xăng khoáng khỏi thị trường. Cụ thể, doanh nghiệp này muốn Bộ sớm triển khai xăng sinh học E5 RON 95 để thay A95, và trên thị trường chỉ có xăng sinh học.

Nhiều người cho rằng 2 đề xuất của Saigon Petro đều xuất phát từ việc tiêu thụ E5 quá khó. Đòi bán lại A92 không được, doanh nghiệp đành lật lại hoàn toàn theo kế “không có A92 thì cũng không nên có A95, chuyển tất cả thành xăng sinh học thì người dùng hết cách, phải mua xăng sinh học".

Tại Hà Nội, trước khi “khai tử” xăng A92, có một thống kê rằng lượng tiêu thụ của xăng A95 chỉ khoảng 15%. Tuy nhiên, theo một thống kê của Bộ Công Thương, sau 2 tháng triển khai bán xăng E5 trên toàn quốc, lượng xăng A95 tiêu thụ chiếm 58%, còn E5 chỉ là 42%.

Bỏ xăng A95 - đề xuất mang tính ép người tiêu dùng? - 1

Như vậy, nếu coi việc tiêu thụ xăng A95 ở Hà Nội tương đồng với cả nước thì thị phần của loại này đã tăng rất nhanh chóng, từ 15% lên 58%. Việc chiếm lượng tiêu thụ cao chứng tỏ xăng A95 được người tiêu dùng tin tưởng và là sản phẩm thay thế A92. 

Và nếu “khai tử” xăng A95, thì đồng nghĩa “khai tử” chính loại xăng mà đa phần người dân tin dùng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ xem xét cẩn trọng và xin ý kiến Thủ tướng.

Kinh tế thị trường ở đâu nếu chỉ bán xăng sinh học?

Chị Quỳnh Anh, một nhân viên văn phòng tại quận Đống Đa (Hà Nội), nhớ lại thời điểm giữa năm 2017, khi đi đổ xăng, chị luôn nhiều sự lựa chọn. Cây xăng gần nhà luôn có 3 loại xăng, là A92, A95 và E5, bởi cửa hàng này nằm trong diện bán thí điểm xăng sinh học.

Chị nói đa phần khách sẽ chọn xăng A92 vì quen thuộc và giá phổ thông. Ai có xe sang hơn một chút có thể chọn  A95. Còn người muốn rẻ nữa, có thể chọn E5, bởi khi đó, giá loại xăng này luôn thấp hơn A92 khoảng 500 đồng/lít.

“Chỉ với 3 loại xăng nhưng rất nhiều sự lựa chọn cho nhiều đối tượng khác nhau. Kể cả người hay chạy xe máy bình thường, người đi ôtô sang, người lái taxi muốn mua E5 cho rẻ…”, chị Quỳnh Anh nói.

Nói về đề xuất bán thay thế xăng A95 bằng E5 RON 95, chị Quỳnh Anh băn khoăn và lo lắng rằng mình sẽ bị “ép” mua hàng hóa chứ không còn được lựa chọn.

Bỏ xăng A95 - đề xuất mang tính ép người tiêu dùng? - 2
Chuyên gia cho rằng khi chỉ bán xăng sinh học, người tiêu dùng sẽ không có sự chọn lựa, ảnh hưởng đến tính kinh tế thị trường. 

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, cho rằng thị trường xăng dầu ở Việt Nam là độc quyền tương đối, bởi Nhà nước vẫn can thiệp một phần, ví như trong điều hành giá. Xăng dầu không chỉ là lĩnh vực tiêu dùng bình thường mà còn là góc độ của quản lý Nhà nước.

“Lĩnh vực này tác động đến mọi người dân, với tư cách là tiêu dùng, doanh nghiệp, nông dân… Nhà nước độc quyền tương đối, hiểu theo nghĩa tốt là Nhà nước từng bao cấp và đang từng bước đưa về kinh tế thị trường. Chúng ta không thể đòi hỏi xăng dầu là lĩnh vực hoàn toàn kinh tế thị trường được”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng tiến trình tiệm cận với kinh tế thị trường của quản lý Nhà nước về xăng dầu có phần đang đi ngược theo 2 hướng.

Thứ nhất, ông nhấn mạnh kinh tế thị trường phải rõ ràng. Chẳng hạn như thuế phí môi trường đưa vào, quỹ bình ổn xăng dầu phải minh bạch, chi như thế nào để người dân chấp nhận.

Thứ hai, muốn tăng kinh tế thị trường thì phải tăng sự chọn lựa của người dân. Cụ thể phải có cả xăng E5 RON 95 và A95 như hiện nay. Nguyên tắc khi đưa một sản phẩm mới vào thị trường (như E5 RON 95) là để tăng thêm sự chọn lựa, chứ không phải là bắt buộc thay thế.

“Nếu xăng E5 RON 95 thay thế A95 thì vừa đi sai hướng độc quyền tương đối, lại quay ngược lại hướng triệt tiêu sự chọn lựa của người dân theo cơ chế thị trường”, ông Hiển nói.

Hoài nghi về hiệu quả của xăng E5

Giải lao giữa ca làm việc, anh Nam thường lên mạng xã hội để nói chuyện với bạn bè. Nhiều bạn bè anh than thở về chất lượng xăng E5. Họ cũng đặc biệt lo ngại đến việc nếu bỏ xăng A95 thì chất lượng E5 RON 95 có được đảm bảo.

Là một người trực tiếp bán xăng, anh Nam cho rằng chưa có cơ sở để đánh giá là E5 thiếu an toàn hay không chất lượng. Hàng ngày anh vẫn chứng kiến rất nhiều người đổ xăng E5 mà không phàn nàn gì. Tuy nhiên, vẫn có những người nhất quyết chỉ đổ RON 95, có những người phàn nàn rằng họ cảm thấy vấn đề chất lượng của xăng E5.

Với chiếc xe máy của mình, anh Nam chỉ chọn A95.

Bỏ xăng A95 - đề xuất mang tính ép người tiêu dùng? - 3
Nhiều chuyên gia hoài nghi về hiệu quả thực sự của xăng E5.

TS. Đinh Thế Hiển nói nguyên tắc của kinh tế thị trường là khi cho ra đời một sản phẩm mới thì nó phải tốt hơn sản phẩm cũ. Ở đây, các nhà kinh doanh xăng dầu đang tự cảm thấy “tốt hơn” vì 2 lý do, là giá rẻ và bảo vệ môi trường.

Về bảo vệ môi trường, ông Hiển đặt hoài nghi hiệu quả. Bởi công nghệ sản xuất xe ngày càng phát triển, giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải, thậm chí là tiệm cận công nghệ sản xuất xe điện. Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, Euro 5… hoàn toàn có thể giúp giảm khí thải, trong khi so với lượng khí thải giảm được của xăng E5 là không chênh lệch đáng kể.

Nói về lợi ích về kinh tế (giá rẻ), giám đốc một công ty kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM, xin được giấu tên, nói rằng xăng sinh học chỉ hiệu quả khi giá dầu thô thế giới trên 100 USD/thùng. Khi đó, pha thêm một lượng 5% cồn E100 vào xăng sẽ giảm được chi phí và giá thành rất lớn.

Tuy nhiên hiện nay, giá dầu đã giảm xuống nhiều, có lúc xuống đến 50 USD/thùng, nghĩa là ý nghĩa về giá rẻ của xăng sinh học đã phần nào thất bại.

TS. Đinh Thế Hiển thì thẳng thắn nói rằng đó là một thất bại hoàn toàn và nhận định việc tăng cường sử dụng xăng sinh học chỉ để cứu vãn “bước đi từ ngày xưa” trong việc trót xây dựng các nhà máy Ethanol.

O bế lợi ích?

Vị giám đốc ở Sài Gòn nói với Zing.vn rằng xăng dầu bị khống chế giá bán, nghĩa là chỉ cho một mức lợi nhuận nhất định. Tuy nhiên, giá cồn E100 đang không bị ai khống chế. Vị này hoài nghi chính những nhà máy Ethanol sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ xăng sinh học, nhất là nếu đề xuất bỏ xăng RON 95 được triển khai.

Hiện cả nước có duy nhất một đơn vị cung cấp Ethanol phục vụ phối trộn xăng sinh học E5, là Công ty TNHH Tùng Lâm, với công suất 200.000 m3/năm, lượng này đủ phối trộn 3,9 triệu m3 xăng E5/năm.

Hồi đầu năm, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), khẳng định đến tháng 1, cả nước có 3 nhà máy và hết quý I sẽ tăng lên 4 nhà máy cung cấp E100, đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường.

Bỏ xăng A95 - đề xuất mang tính ép người tiêu dùng? - 4
Nhiều nhà máy Ethanol dự kiến hoạt động nhưng đến hết quý I vẫn có duy nhất 1 đơn vị cung cấp.

Tuy nhiên, quý I đã qua và hiện đã sang tháng 5, cả nước vẫn chỉ có một mình Tùng Lâm cung cấp Ethanol. Doanh nghiệp này còn than với Bộ Công Thương giá sắn đầu vào tăng lên, nên đã tăng giá cồn E100 thêm 1.000 đồng/lít.

Tùng Lâm nói đây là việc cực chẳng đã, chứ không phải do độc quyền mà tăng giá.

Như vậy, dù ít hay nhiều, dư luận vẫn có hoài nghi về lợi ích của doanh nghiệp sản xuất Ethanol. Nếu cả nước chỉ có xăng sinh học, có lẽ Tùng Lâm sẽ là doanh nghiệp vui nhất, khi sản xuất không đủ bán.

Việc Thứ trưởng Bộ Công Thương nói rằng sẽ xem xét kiến nghị bỏ xăng A95 của Saigon Petro chỉ bán xăng sinh học và xin ý kiến Thủ tướng. Bản thân anh Nam cho rằng đây là một đề xuất khó khả thi, nếu có thực hiện cũng vấp phải nhiều tranh cãi, và sẽ mất rất lâu, thậm chí lâu hơn cả tiến trình bán rộng rãi xăng E5.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)