Kinh tế

Bộ trưởng Tài chính lý giải đề suất Luật thuế tài sản mới

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết dự án Luật thuế tài sản mới chỉ đang trong giai đoạn khởi tạo và cần ý kiến nhân dân, cơ quan, tổ chức, chuyên gia... để hoàn thiện.

Vừa trở về Việt Nam sau chuyến công tác tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã gặp gỡ báo chí để trao đổi thêm về Dự án Luật thuế tài sản gây tranh cãi.

Ông Dũng cho hay đây mới chỉ là đề xuất và cần ý kiến đóng góp của dư luận, chuyên gia để hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật hoàn chỉnh.

Cụ thể, lý giải về nguyên nhân đưa ra đề xuất dự án Luật thuế tài sản, Bộ trưởng cho biết Bộ đề xuất luật trên chỉ đạo nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, đề án chính phủ đã phê duyệt về khai thác nguồn lực đất đai. Nghị quyết 25 của Quốc hội về đề án tái cơ cấu ngân sách 5 năm 2016-2020, trong đó có yêu cầu phải nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế với tài sản gồm đất, tài sản gắn với đất.

"Chúng tôi xây dựng dự thảo Luật vừa rồi để xin ý kiến nhân dân. Nó sẽ đóng góp nhiều vào công tác phòng ngừa, phòng chống tham nhũng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, hạn chế sử dụng tài sản công", Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Tài chính lý giải đề suất Luật thuế tài sản mới
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết việc dự án Luật thuế tài sản nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ dư luận và chuyên gia là cần thiết. Ảnh: Hoàng Hà.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về dự thảo Luật thuế tài sản. Đây là điều cần thiết giúp Bộ hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật, nâng cao minh bạch, góp phần nâng cao và cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Nhà nước.

"Chúng tôi đón nhận ý kiến của các chuyên gia, nhân dân cả nước về dự thảo luật này để trình Chính phủ. Nếu Chính phủ thông qua sẽ báo cáo Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ này", Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Theo người đứng đầu Bộ Tài chính việc mở rộng cơ sở, đối tượng thu, và nâng mức chịu thuế của các sắc thuế là để cơ cấu lại nguồn thu, việc này các quốc gia trên thế giới cũng đang thực hiện. Hiện tại, dự án Luật thuế tài sản mới chỉ đang trong quá trình nghiên cứu, thậm chí có thể còn phải sửa cả tên luật.

Trong bối cảnh Việt Nam đã cắt giảm thuế quan trong lộ trình hội nhập, cùng với việc giá dầu giảm sâu trong thời gian qua thì việc mở rộng nguồn thu là cần thiết.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng cần thực hiện song song với giải pháp tiết kiệm chi ngân sách, đặc biệt giảm chi thường xuyên để có tiền chi cho đầu tư phát triển.

"Chúng ta đã tiết kiệm các khoản chi cho hội nghị, hội thảo, thực hiện khoán xe công... thời gian tới sẽ là tinh giản bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị công lập...", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng chia sẻ thêm về việc giảm chi, cân đối ngân sách Nhà nước. Cụ thể, Bộ thực hiện khoán xe công trong 2 năm vừa qua. Riêng, cơ quan Bộ đã giảm 27 đầu xe và đang trình Chính phủ trong 15 nghị định, trong đó có một nghị định về xe công sẽ được ký sắp tới.

Cùng với đó là việc thực hiện tinh giản bộ máy, sắp xếp lại tổ chức tiến hành bước tiếp theo Nghị quyết 18 của Trung ương.

Theo đó, từ 1/7 tới đây, Luật Quản lý nợ công mới sẽ được triển khai và tất cả tập trung về một đầu mối Bộ Tài chính kể cả huy động vốn vay ODA. Tuy nhiên, Bộ cũng kế hoạch sẽ không tăng về tổ chức, bộ máy mà sẽ tự sắp phù hợp.

"Chúng tôi sắp xếp các đơn vị chức năng trong Bộ với tinh thần không tăng thêm biên chế. Rà soát, sắp xếp lại cơ quan thuộc Kho bạc Nhà nước, năm nay sẽ giải thể, sáp nhập 43 kho bạc các tỉnh, thành phố", Bộ trưởng nói.

Về việc sắp xếp hệ thống thuế trong 3 năm tới, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ sắp xếp lại theo phương án liên vùng huyện, thị xã. Năm 2018 sẽ sắp xếp từ 327 chi cục còn 154 chi cục thuế ở các huyện, thị xã. Năm 2019 sắp xếp 53 chi cục huyện, thị xã thành còn 25 chi cục. Năm 2020, sắp xếp 168 chi cục thuế quận huyện thành còn 78 chi cục.

Quá trình thực hiện sẽ tiếp tục rà soát, số lượng chi cục thuế được sắp xếp sẽ còn lớn hơn số được duyệt.

Theo Hoàng Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)