Kinh tế

Bộ Tài chính thanh tra 20 hãng tàu lớn của nước ngoài

Trong tháng 4/2015 sẽ thanh tra 20 hãng tàu nước ngoài lớn của nước ngoài tập trung ở các cảng lớn TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào sáng nay (7/4).

Trong tháng 4/2015 sẽ thanh tra 20 hãng tàu nước ngoài lớn của nước ngoài tập trung ở các cảng lớn TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào sáng nay (7/4).

Ảnh minh họa.

 
Theo chỉ đạo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc rà soát, đánh giá thực tế việc thu các loại phụ phí theo cước vận tải biển của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam để xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh, Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Công Thương và các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra việc thu các loại phụ phí.

Trả lời PV liên quan đến hoạt động thanh kiểm tra này, Thứ trưởng Mai cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 66, theo đó rà soát, xem xét việc chấp hành pháp luật tài chính và áp đặt phụ phí của các hãng tàu biển nước ngoài có hợp lý hay không. Điều này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra 20 doanh nghiệp trên cơ sở chọn lựa những doanh nghiệp, các hãng tàu biển lớn của nước ngoài, tập trung ở các cảng lớn TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội”, Thứ trưởng Mai thông tin.

Về thời gian thực hiện và việc báo cáo kết quả theo Thứ trưởng Mai trong tháng 4/2015 quá trình này sẽ được hoàn thành.

Ngoài ra, cũng tại cuộc họp báo, ông Trần Huy Trường, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ đã lên danh sách các đơn vị kiểm tra và đang liên hệ với các hãng tàu biển nước ngoài lớn có trụ sở tại Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam tính đến tháng 10/2014, có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đảm nhận khoảng 88% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó đảm nhận gần 100% hàng hóa xuất khẩu đóng trong container xuất, nhập từ các thị trường như Châu Âu, Châu Mỹ, Bắc Mỹ.

Với tình trạng phụ thuộc quá lớn vào các hãng tàu biển nước ngoài nên chủ hàng Việt Nam bị áp đặt thu nhiều các phụ phí khác nhau.

Các doanh nghiệp Việt Nam do không được trực tiếp đàm phán ký kết hợp đồng vận chuyển, thường bị áp đặt bị động, đồng thời vì chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc quản lý, giám sát thu phụ phí nên không bảo vệ được quyền lợi của chủ hàng và các hãng tàu thường lạm dụng để thu thêm một số loại phí khi hiện tượng biến động đã chấm dứt hoặc không xảy ra.

Theo Tâm An (Bizlive.vn)