Kinh tế

Bộ Tài chính: Giảm thuế theo FTA không làm giảm ngân sách

Không lo lắng về việc ngân sách sẽ bị hụt thu trực tiếp song đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, thách thức lớn nhất hoạt động của doanh nghiệp nội sẽ khó khăn, do năng lực cạnh tranh còn thấp.

Không lo lắng về việc ngân sách sẽ bị hụt thu trực tiếp song đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, thách thức lớn nhất hoạt động của doanh nghiệp nội sẽ khó khăn, do năng lực cạnh tranh còn thấp.

"Nếu giảm thuế nhập khẩu thì sẽ tác động tới ngân sách nhiều chiều. Ví dụ giảm thuế nhập khẩu thì lượng hàng hóa nhập có thể tăng lên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tăng thu. Việc giảm thuế cũng có thể tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh trong nước, từ đó tăng thu từ các nguồn khác như thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Toàn nói.

Vị này cũng cho biết, Bộ Tài chính trước đó đã có nhiều nghiên cứu đánh giá trong giai đoạn thực hiện giảm thuế theo các hiệp định thương mại thì thực tế thu ngân sách không giảm.

“Tỷ trọng thu ngân sách từ xuất nhập khẩu trong tổng thu đang xu hướng giảm. Cụ thể năm 2009 là 32,6% trên tổng thu nhưng đến 2013 chỉ còn 27%. Tuy nhiên, con số tuyệt đối vẫn  tăng rõ rệt", vị này nói. Ông đưa ra ví dụ về số thu từ xuất nhập khẩu năm 2009 là khoảng 144.000 tỷ đồng, tới năm 2011, con số này lên 181.000 tỷ đồng và một năm sau là 217.000 tỷ đồng”, ông nói.

Do đó, một lần nữa ông Toàn khẳng định việc tham gia các hiệp định sẽ không ảnh hưởng lớn đến ngân sách. Trong khi đó, nhìn rộng hơn ở góc độ xã hội thì làm phong phú thêm hàng hóa đầu vào, sẽ có tác động tích cực đến thị trường.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, một trong những thách thức thời gian tới là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt vẫn ở mức thấp.

“Quá trình hội nhập sâu rộng sẽ làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế, thể hiện rõ nhất ở chất lượng tăng trưởng giảm sút”, đại diện Bộ Tài chính nhận định. Do đó, ông Toàn cho biết, trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp, phía cơ quan Nhà nước sẽ rà soát lại quy hoạch phát triển ngành, vùng và tiến hành tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý.

Hiện Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Bên cạnh đó, Việt Nam đang xúc tiến đàm phán, ký kết 6 hiệp định song phương và đa phương quan trọng khác. Trong đó, Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Việt Nam-EU được đánh giá sẽ có tác động kinh tế lớn.
 
>> Hàng Việt Nam vào năm nước liên minh, 90% dòng thuế được giảm
 
Theo Ngọc Tuyên (VnExpress.net)