Kinh tế

Bộ GTVT muốn quản Grab thế nào?

Xe 4 bánh của Grab, FastGo hay Vato... sẽ bị coi là taxi. Tuy nhiên, trong dự thảo mới, Bộ GTVT bãi bỏ nhiều quy định theo hướng cởi trói, tạo sự công bằng cho doanh nghiệp taxi.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ dự thảo lần thứ 7 Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (thay thế Nghị định 86/2014).

Grab, Vato, FastGo được coi là taxi

Theo đó, Bộ này tiếp tục khẳng định việc sẽ quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm như đối với taxi. Nghĩa là những loại hình xe 4 bánh của Grab, VATO, FastGo… sẽ bị coi là taxi.

Tuy nhiên, Bộ GTVT thừa nhận hiện vẫn có 2 quan điểm khác nhau về việc quản lý ôtô kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử, coi đây là xe hợp đồng hay taxi. Theo đó mỗi phương án đều có những ưu điểm và hạn chế khi đưa ra để quản lý, tác động rất lớn đến xã hội và hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Bộ GTVT muốn quản Grab thế nào?
Trải qua 7 lần sửa đổi, Bộ GTVT vẫn chưa hoàn thành dự thảo nghị định 86 mới do còn tranh cãi về quy định với taxi và xe công nghệ. Ảnh: Quỳnh Trang.

Ngoài ra, sau quá trình thí điểm cho thấy phương thức hoạt động của các xe sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ là tương đối giống với taxi (có nhiều nét tương đồng về phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe…).

Trong khi đó nếu quy định Grab, FastGo, VATO… là taxi còn những hạn chế nhất định, nhưng đáp ứng được việc không triệt tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện cho quản lý và không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.

Với những băn khoăn, Bộ GTVT một lần nữa đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định mọi xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử là taxi. Như vậy sẽ tạo công bằng, bình đẳng hơn về điều kiện kinh doanh vận tải và giải quyết được vấn đề kiến nghị mà các Hiệp hội taxi đề xuất.

Bộ GTVT muốn quản Grab thế nào? - 1
Grab vẫn bị Bộ GTVT coi là taxi. Ảnh: Torque.

Đơn giản hóa thủ tục cho taxi

Tuy nhiên, quy định về loại taxi mới (bao gồm cả Grab, FastGo, VATO, taxi truyền thống…) cũng đã rất khác trước kia, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo công bằng.

Theo đó, doanh nghiệp taxi không cần đăng ký màu sơn với cơ quan chức năng; không quy định về đồng phục lái xe; không quy định về quy mô đơn vị kinh doanh vận tải (trước quy định tối thiểu 50 xe).

Bộ GTVT cũng bỏ quy hoạch số lượng xe theo địa phương mà để thị trường tự quyết định; không bắt buộc các doanh nghiệp phải có trung tâm điều hành (có thể thuê trung tâm điều hành hoặc dùng phần mềm thay thế trung tâm điều hành). Ngoài ra cũng không bắt buộc doanh nghiệp phải được Sở GTVT phê duyệt phương án kinh doanh vận tải.

Nghị định mới cũng có điều khoản khi tổ chức giao thông tại đô thị thì ưu tiên taxi được hoạt động. Ngoài ra, niên hạn sử dụng của taxi có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) từ 8 năm (theo dự thảo cũ) lên thành 12 năm.

Lý giải việc này, đại diện Ban soạn thảo cho biết do taxi chỉ lưu thông trong khu vực đô thị, nội thành, điều kiện đường xá tốt nên không nhất thiết phải quy định niên hạn quá thấp.

Một quy định bắt buộc là các loại taxi đều phải có hộp đèn. Theo đó Bộ GTVT đưa ra phương án taxi có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe” và gắn phù hiệu “XE TAXI” dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe. Ngoài ra, việc niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định tiếp tục được giữ nguyên.

Bộ GTVT cho rằng quy định này được đưa vào với mục đích giúp người dân nhận diện xe taxi trên đường để gọi. Như vậy, dù là taxi kiểu mới, Grab, FastGo hay VATO vẫn phải có hộp đèn.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)