Kinh tế

Bộ Công Thương thanh tra 3 dự án nghìn tỷ thua lỗ

Bộ Công Thương sẽ tiến hành thanh tra Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Nhà máy đóng tàu Dung Quất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Công Thương sẽ tiến hành thanh tra Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Nhà máy đóng tàu Dung Quất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Công Thương thanh tra 3 dự án nghìn tỷ thua lỗ

Theo Bộ Công Thương, Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra toàn diện 4 dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành công thương. Các dự án là Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng; Nhà máy Bột giấy Phương Nam; Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương đã ban hành quyết định thanh tra tại 3 dự án là: Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và có kết luận một số dự án yếu kém, thua lỗ ngành công thương. Các dự án đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra là một số dự án nhiên liệu sinh học, xơ sợi Đình Vũ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Năm 2016, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra và có kết luận thanh tra đối với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Nhà máy đóng tàu Dung Quất là 3 trong tổng số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của Bộ Công Thương. Theo báo cáo trước đó, Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai và Nhà máy đóng tàu Dung Quất đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ trong khi, Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn.

Thống kê cho thấy, tổng mức đâu từ ban đầu của 12 dự án thua lỗ là hơn 43.000 tỷ đồng sau đó được phê duyệt tăng lên 63.600 tỷ đồng trong đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 22,6% tương ứng 14.350 tỷ đồng, vốn vay chiếm đa số với hơn 47.451 tỷ đồng chiếm đến 74,6%.

Báo cáo cũng cho biết, tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126 tỷ đồng, tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679 tỷ đồng trong khi tổng nợ phải trả là hơn 55.063 tỷ đồng.

Với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, phương án thẩm định giá được đưa ra là xác định giá trị của nhà máy 1.712 tỷ đồng bao gồm tổng tài sản và hàng tồn kho. Đáng chú ý nợ phải trả của dự án lên đến 2.651 tỷ đồng.

Với dự án đóng tàu Dung Quất, mới đây PVN kiến nghị cho phép bán DQS trường hợp bán không thành công sẽ triển khai phương án phá sản đấu giá tài sản.

Theo Bộ Công Thương, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.

Theo Nguyễn Thảo (Bizlive.vn)